MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng đang chịu nhiều áp lực về tăng vốn. Ảnh: Lê Toàn

Ngân hàng trước áp lực tăng vốn

Gia Miêu LDO | 06/08/2020 17:25

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tình hình nợ xấu của các ngân hàng đang có chuyển biến theo chiều hướng xấu, các ngân hàng đang đứng trước áp lực phải tăng vốn nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn  khi tỷ lệ trích lập  dự phòng tăng mạnh.

Có thể nhận thấy trong năm nay các ngân hàng tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng. Chẳng hạn như HDBank với kế hoạch tăng vốn từ mức 9.810 tỉ đồng lên hơn 16.088 tỉ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ lên đến 65%.

Mới đây, Thống đốc NHNN đã chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỉ đồng lên gần 21.616 tỉ đồng, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2019. SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỉ đồng lên 12.088 tỉ đồng theo phương án đã được duyệt tại đại hội cổ đông năm ngoái.  

Bên cạnh việc được chấp thuận phương án tăng vốn, nhiều ngân hàng cũng công bố thương vụ tăng vốn thành công từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý là cả những ngân hàng nhỏ cũng có các chuyển động tăng vốn mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, năm 2020 áp lực tăng vốn của các ngân hàng rất lớn. Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí an toàn mới theo chuẩn quốc tế Basel II cận kề thì còn có một lý do khiến các ngân hàng phải có phương án đối phó. Đó là việc tác động của dịch COVID-19 khiến nợ xấu có dấu hiệu tăng dần, cho dù tín dụng tăng chậm và các ngân hàng đã tăng trích dự phòng rủi ro.

Nhìn qua báo cáo tài chính vừa được công bố của các ngân hàng từ các ngân hàng khối quốc doanh đến các ngân hàng thương mại đều phải đang đối diện với việc tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh theo hướng tăng. Thực tế, nhận thấy sức ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN đã đề phòng việc nợ xấu toàn ngành sẽ tăng lên mức 3-4% năm nay - là mức nằm trong tầm kiểm soát.

NHNN cũng đã có những động thái hỗ  trợ áp lực cho các ngân hàng khi mới đây đề xuất giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” trong 6 tháng hoặc 1 năm. Bởi vì theo nhận định của NHNN, nếu áp dụng đúng theo quy định bao đầu vào thời điểm đầu tháng 10 tới đây có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn, do dự kiến lượng tiền gửi sẽ còn giảm do tác động của COVID-19. Điều đó, cho thấy áp lực mà các ngân hàng đang gặp phải trong việc tăng vốn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn