MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: LĐO

Ngân hàng ưa cho vay bất động sản vì an toàn hơn cho vay tiêu dùng, kinh doanh

Minh Ánh LDO | 22/02/2024 10:40

Theo các ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc cho vay bất động sản an toàn hơn cho vay tiêu dùng, kinh doanh.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hết năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỉ đồng, tăng 6,75% so với đầu năm.

Đáng nói, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Nói về lý do ưa cho vay kinh doanh bất động sản, các ngân hàng cho rằng việc cho vay bất động sản vẫn ít rủi ro hơn các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank - cho rằng VPBank thích cho vay bất động sản hơn vì có tài sản đảm bảo đủ pháp lý rõ ràng. Trong khi nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, nên việc cho vay tiêu dùng, kinh doanh có nhiều rủi ro.

Theo ông Vinh, dù sản xuất kinh doanh là lĩnh vực ưu tiên, nhưng rủi ro cao, nếu có nợ xấu thì ngân hàng dễ mất luôn vốn.

Cũng là ngân hàng có dư nợ cho vay tín dụng bất động sản cao nhưng tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Techcombank - ông Phạm Quang Thắng cho biết người dân đang không có nhiều động thái đầu tư trở lại nhưng trong tháng 1.2024, người dân tăng vay mua nhà trở lại.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Techcombank có tỉ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ lớn nhất, với tỉ trọng 35,22% tại thời điểm 31.12.2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB đề nghị NHNN phối hợp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024.

Theo ông Ánh, vay để làm gì là câu hỏi lớn. Năm 2022, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã nói nhiều nhưng năm nay vẫn còn khó khăn, hiện đang trong quá trình tháo gỡ. Tuy nhiên, kết quả tháo gỡ ra sao thì vẫn khó đoán định.

Như Lao Động đã đưa tin, trong năm 2023, gặp áp lực trong huy động nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản đang lún sâu vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến nghị, vốn tín dụng ngân hàng cần cấp đúng và trúng cho đối tượng để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Trong năm 2024, tín dụng cho vay bất động sản sẽ được siết chặt, nhằm hướng tín dụng vào các doanh nghiệp (DN), dự án BĐS đủ điều kiện, đặc biệt là các DN có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án NOXH, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động. Đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn để vay mua nhà ở.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn