MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng ngày càng quan tâm đẩy mạnh tín dụng xanh. Ảnh: MỸ LINH

Ngân hàng và xu hướng tài chính xanh

Mi Vân LDO | 01/07/2023 12:10

Hiện tại đã có 40 ngân hàng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỉ đồng.

Tín dụng xanh ngày càng tiềm năng

Trao đổi với báo chí, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước - cho biết, cùng với nguồn lực của Nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.

Thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt trong quá trình điều hành NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh.

“Năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỉ đồng - chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%” - bà Hà Thu Giang cho biết.

Ngân hàng khó khăn trong thẩm định dự án xanh

Khó khăn lớn nhất mà các ngân hàng đang gặp phải là khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh (mang nhiều yếu tố kĩ thuật, môi trường chuyên ngành).

Dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam cơ bản tập trung vào lĩnh vực năng lượng, chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng xanh và giao thông.

Hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lí, chính sách tổng thể liên quan đến tín dụng xanh: tiêu chí môi trường và tiêu chí về các khoản xác nhận khoản vay xanh, dự án xanh, công cụ của chính sách tiền tệ - tín dụng để khuyến khích ngân hàng than gia tài trợ dự án xanh.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành một danh mục tiêu chí xanh.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - cho biết: “Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các quy định về tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Cần nghiên cứu thành lập Quỹ tài chính xanh để quản lí huy động và phân bổ nguồn lực tài chính xanh hiệu quả và bền vững hơn. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng và doanh nghiệp nói chung để phát triển tín dụng xanh như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, phí, dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn