MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguy cơ hàng trăm người lao động trong ngành xuất khẩu gỗ bị mất việc làm do các đơn hàng bị hủy hoặc hoãn kéo dài. Ảnh: Kh.V

Ngành chế biến, xuất gỗ mất cả trăm triệu USD vì COVID-19

Khánh Vũ LDO | 30/03/2020 17:05

Đại dịch COVID-19 khiến ngành chế biến gỗ để xuất khẩu đứng trước thảm cảnh không có đơn hàng kể từ tháng 4.2020 và có thể kéo dài đến năm 2021.

Gần 100% đơn hàng sang Mỹ bị hủy hoặc hoãn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Châu Âu (EU), hàng loạt đối tác  nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ Mỹ, Châu Âu đã báo hủy, giãn đơn hàng. Điều này dẫn tới nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ phải dừng hoạt động.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 30.3.2020, ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành giọng buồn rầu cho biết: “Từ gần 2 tuần nay, tôi liên tiếp nhận được thông báo xin hủy và hoãn đơn hàng. Cho đến hôm nay (30.3), số đơn hàng bị hủy đã lên tới khoảng 3 triệu USD và số đơn hàng bị hoãn cũng đã khoảng 2 triệu USD”.

Theo ông Nguyễn Phương, trước đây bình quân mỗi tháng, công ty ông chế biến và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ với giá trị kim ngạch bình quân khoảng 2,5 triệu USD. Nhưng từ ngày 26.3.2020, doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất vì tất cả đơn hàng đã bị báo hủy hoặc hoãn cho đến khi hết dịch.

"Điều này có nghĩa là khoảng 800 công nhân của doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng không có việc làm" - ông Phương chia sẻ.

Cũng chung cảnh ngộ với Công ty Minh Thành, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ sang Mỹ như: Công ty Cổ Phần Lâm Việt, Công ty CP Kiến trúc Nội thất NaNo, Cty TNHH Tiến Triển… đều trong tình trạng bị hủy hoặc giãn đơn hàng, hàng trăm công nhân lâm cảnh không có việc làm.

“Công ty tôi phải dừng sản xuất từ ngày 27.3.2020 do 100% đơn hàng đã bị báo hủy hoặc giãn thời gian. Hiện nay, 150 container hàng đã làm xong không thể xuất khẩu, phải đóng gói vào kho, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể” – ông Nguyễn Liêm – Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt chia sẻ.

Với nỗi lo lắng không giấu giếm, ông Nguyễn Phương thông tin có những đơn hàng đã làm xong, chuẩn bị lên tàu lại phải kéo ngược vào bờ. Thậm chí có container đã cập bến bên kia, nhưng không thể bốc hàng lên vì vừa vặn thời điểm đối tác  ngừng nhận đơn hàng...

"Những thiệt hại của riêng Lâm Việt trong đợt dịch này lên đến 200 tỉ đồng. Chưa kể 1.400 công nhân lao động không có việc làm" - ông Nguyễn Phương nêu con số.

Cần hỗ trợ để doanh nghiệp gỗ qua thời điểm nguy hiểm

Theo Hiệp hội gỗ Việt Nam, 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần xuất khẩu có diễn biến phức tạp bởi dịch COVID-19, hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam liên tiếp nhận được các thông báo hủy đặt hàng, giãn đơn hàng trong thời gian gần đây.

Thị trường xuất khẩu chiếm 50% thị phần là Mỹ, đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường này đã có thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới.

Tại thị trường EU, 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam sẽ phải ngưng hoạt động, hàng nghìn người lao động không có việc làm, khả năng nhiều doanh nghiệp bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa một số phân ngành vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Đồng thời sớm xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn