MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một năm đầy biến động của ngành Công Thương. Ảnh: Anh Tuấn

Ngành Công Thương nhìn lại năm 2023: Nhiều lãnh đạo dính sai phạm

Anh Tuấn LDO | 22/12/2023 14:50

Nhìn lại năm 2023 đầy biến động của ngành Công Thương khi nhiều lãnh đạo bị kỷ luật do sai phạm.

Khởi tố, bắt tạm giam Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Ngày 21.12, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Đỗ Thắng Hải, 60 tuổi, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Nhận hối lộ.

Biện pháp tố tụng với ông Hải được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt. Ảnh: BCA

Nhiều năm qua, Thứ trưởng Hải là người phát ngôn của Bộ Công Thương, trả lời các vấn đề nóng của ngành tại họp báo Chính phủ thường kỳ. Ông Hải có nhiều năm làm việc tại Bộ Công Thương, từng giữ chức Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng từ năm 2014 đến nay.

Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Bộ Công Thương dính sai phạm

Trong thông cáo kỳ họp thứ 34 phát đi ngày 20.12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.

Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: UBKTTW

Việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá...

Trách nhiệm đối với những vi phạm thuộc về Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các cục, vụ liên quan.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và một số cán bộ.

Đó là ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Công Thương; ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Công Thương.

Hàng loạt cán bộ thuộc Bộ Công Thương cùng chịu trách nhiệm là ông/bà: Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ; Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường; Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo; Trần Duy Đông, Cục trưởng Xuất nhập khẩu; Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Tổng Cục trưởng Năng lượng; Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ; Võ Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước.

Thiếu điện, hàng loạt địa phương phải cắt điện luân phiên

Từ cuối tháng 5.2023, miền Bắc trải qua những ngày thiếu điện do nhu cầu sử dụng tăng vọt mùa nắng nóng. Thủy điện - một trong hai nguồn cung điện chính cho miền Bắc - sụt giảm huy động vì hạn hán.

Thiếu điện trong thời gian dài dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, diễn ra cả ở nhiều khu dân cư lẫn các khu công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Việc để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên khiến ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phải xin lỗi tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương hồi tháng 6.2023.

Về nguyên nhân thiếu điện, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương hồi tháng 7 nêu rõ: do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023.

Loạt lãnh đạo EVN bị kỷ luật vì để thiếu điện

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với các lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do để thiếu điện ở miền Bắc.

Theo đó, 24 đơn vị thuộc EVN đã tổ chức kiểm điểm 85 tập thể, 161 cá nhân.

Để xảy ra tình trạng thiếu điện, nhiều lãnh đạo EVN bị kỷ luật. Ảnh: EVN

Với cấp lãnh đạo EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với ông Dương Quang Thành - nguyên Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN; Phó Tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

2 lần tăng giá điện

Trong năm 2023, EVN đã có 2 lần điều chỉnh tăng giá điện. Lần 1 điều chỉnh vào ngày 4.5.2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh, tương đương mức tăng 3%.

Lần 2 giá điện điều chỉnh tăng thêm 4,5%, từ mức 1.920,37 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 9.11.2023.

Nói về lý do tăng giá điện, EVN cho biết, do chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn