MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo "Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế" sáng 26.9 tại Hà Nội. Ảnh: PV

Ngành dầu khí Việt Nam đã tiên phong hội nhập từ những năm 70-80

Hà Liên LDO | 26/09/2017 11:12
Sáng 26.9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo: “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Trong cuộc hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” các học giả đã đánh giá chặng đường phát triển của ngành dầu khí Việt Nam trong hơn 55 năm qua, khẳng định những thành tựu, những đóng góp của ngành dầu khí với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam. 

PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: “Ngành dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 70-80 của thế kỷ trước… Dự án Dung Quất là ví dụ cho thấy Việt Nam có thể tham gia nền công nghiệp chế biến dầu với độ khó vào loại cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến”. 

Nói về hội nhập của ngành dầu khí, cụ thể là về mức độ cam kết của ngành dầu khí Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, cho đến nay, cam kết về mở cửa của thị trường trong ngành dầu khí thì ngoài thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các cam kết khác thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là có mức độ sâu rộng nhất. 

“Về cắt giảm thuế quan, Hiệp định thương mại hàng hóa Antiga trong Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN có mức độ giảm sâu nhất. Theo đó, từ năm 2016, thuế nhập khẩu diesel, mazut đã có thuế suất là 0%. Riêng các loại xăng thì đến năm 2014 thuế suất cũng được loại bỏ. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC) sẽ tạo thành một thị trường duy nhất vì vậy mọi rào cản phi thuế quan cũng được loại bỏ”, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết. 

Bên cạnh đó, hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhận được gần 40 tham luận, sự tham gia thảo luận đóng góp ý kiến của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực dầu khí, các nhà nghiên cứu kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn