MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành Dệt may Việt Nam luôn được Công đoàn chăm lo (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Hải Anh

Ngành dệt may Châu Á - TBD chịu tác động nặng nề do COVID-19

Linh Nguyên LDO | 26/10/2020 09:30
Nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra các đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng gây nên bởi đại dịch COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm Việt Nam.

Đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may

Theo đó nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở Châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, do các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và do gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.

Tính đến tháng 9 năm 2020, gần một nửa số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may đều phải phụ thuộc vào nhu cầu hàng dệt may của người tiêu dùng tại các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất mà tại đó doanh số bán lẻ đã giảm mạnh. Năm 2019, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới.

Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 đến 4 tuần làm việc, và ghi nhận chỉ có ba phần năm số đồng nghiệp của mình được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong quý II năm 2020”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Cornell và một nhóm chuyên gia ILO đến từ Bộ phận Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực, Chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work) và dự án Việc làm Thỏa đáng trong các chuỗi cung ứng dệt may Châu Á của ILO-Sida.

Ngành Dệt may Việt Nam thúc đẩy đồng bộ 5 phong trào lớn

Tại Việt Nam, ngành Dệt may cũng phải đối mặt với không ít khó khăn về đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan; cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, mô hình sản xuất chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại; ngành sợi sụt giảm nặng nề do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; chi phí đầu vào của doanh nghiệp liên tục tăng; đại dịch COVID-19 làm chuỗi cung ứng đứt gãy, việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn,… những điều đó đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Để góp phần khắc phục khó khăn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam đều phối hợp trong chỉ đạo, phát động và hướng dẫn các đơn vị tổ chức các phong trào thi đua; xây dựng tiêu chí đánh giá; tiến hành tôn vinh; tổ chức sơ, tổng kết các phong trào để có sự điều chỉnh, bổ sung về nội dung, hình thức, phương pháp cho phù hợp thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những phương pháp hay, những cách làm tốt.

Mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2020-2025 là lợi nhuận tăng trưởng hàng năm từ 12%-15%; thu nhập người lao động bình quân hằng năm tăng cao hơn CPI thực tế 2%-3%.

Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì, thúc đẩy đồng bộ 5 phong trào lớn, gồm: Lao động giỏi, Lao động sáng tạo, Giỏi việc nước đảm việc nhà, doanh nghiệp hội nhập và phát triển, doanh nghiệp vì người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn