MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành dệt may đang nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Ảnh: Ngọc Hân

Ngành dệt may lại thêm khó khăn trước làn sóng dịch COVID-19 mới

Vũ Long LDO | 10/08/2020 18:12
Làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19 đang đặt ngành dệt may Việt Nam trước những thách thức mới.

Nguồn cung nguyên liệu tiếp tục bị đứt gãy

Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối Châu Âu (Eurolink), là một trong những đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc và da giày, nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Thế nhưng,  đến thời điểm này, toàn bộ nguyên vật liệu may mặc đang cạn dần, kế hoạch nhập hàng hóa, nguyên phụ liệu về phục vụ sản xuất gần như tê liệt nên doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, hoạt động cầm chừng chờ dịch bệnh qua.

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu cũng bị đứt đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị hủy bởi dịch bệnh COVID-19. Điều này đã khiến doanh thu thuần của Vinatex trong quý II/2020  đã giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Vinatex cho biết, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng nhằm đáp ứng tình hình mới.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG, doanh thu quý II giảm 14%, đạt 1.066 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp này giảm 10% còn 1.840 tỉ; lợi nhuận sau thuế là gần 66 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho quý 3 và 4 năm 2020 đối với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơmi cao cấp...

Nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng gây nên sự gián đoạn, đình trệ sản xuất, đẩy người lao động trước nguy cơ bị giãn việc, nghỉ việc luân phiên, thậm chí mất việc làm.

Lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Ngọc Hân
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp khiến hoạt động thương mại tiếp tục gặp khó khăn. Việc duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải rất nỗ lực.

Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định cũng phải dịch chuyển cơ cấu sản xuất để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh trong tình hình mới: Giảm tỉ lệ hàng dành cho xuất khẩu từ 65% xuống còn 45% đối với sợi; khai thác thị trường nội địa phía Bắc để bù đắp sản lượng xuất khẩu bị thiếu hụt… Đây là nỗ lực để giữ việc làm cho người lao động. 

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến lao động và thu nhập của người lao động hai ngành dệt may và da giày, túi xách. Hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của các ngành này bị mất việc hoàn toàn; số còn lại chỉ làm việc với 50 - 60% công suất và do vậy thu nhập cũng bị giảm 40%.

Để giúp doanh nghiệp duy trì công ăn việc làm cho người lao động, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, cho lùi lại các nghĩa vụ thuế với Nhà nước đối với các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, sản xuất trang phục 7 tháng năm 2020 giảm gần 5% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may mặc 7 tháng ước đạt gần 16,2 tỉ USD, giảm hơn 12%; xơ, sợi dệt các loại cũng giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn