MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong Công ty TNHH May Thành Nghĩa. Ảnh: Minh Ánh

Ngành dệt may tái cơ cấu, tìm thị trường mới để phục hồi

Thanh Vân LDO | 27/07/2023 08:55

Trước áp lực về lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, đơn giá giảm sâu, nhiều doanh nghiệp may trong nước đang chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tránh nguy cơ người lao động bị mất việc làm.

Doanh nghiệp may đứng trước "ngã ba đường"

3 tháng kể từ ngày nghỉ việc ở công ty may, chị Nguyễn Hiền Lương (48 tuổi, Hà Nam) đã tìm được công việc mới. Dù vậy, chị vẫn tiếc nuối với công việc ở công ty cũ. Nguyên nhân chị Lương nghỉ việc cũng xuất phát từ công ty thiếu đơn hàng, cắt giảm giờ làm.

"Từ cuối năm ngoái, công ty tôi đã rục rịch cắt giảm giờ làm của công nhân. Tuy nhiên, sang đến năm nay, đơn hàng gần như không có nên tôi phải nghỉ triền miên" - chị Lương nhớ lại.

Với nhiều doanh nghiệp, việc phải cơ cấu lại nhân công trong công ty khiến nhiều chủ doanh nghiệp day dứt.

Ông Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH May Thành Nghĩa (KCN An Khánh, Hoài Đức) - cho biết, hiện doanh nghiệp đang phải cố gắng cầm cự để đảm bảo đời sống an sinh cho người lao động. Tuy nhiên, với tình hình lượng đơn hàng chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nghĩa đang phải tinh toán đến phương án tái cơ cấu lại nhân công hoạt động trong nhà máy.

Trong bối cảnh đơn hàng ít, lãi suất cao, ngành dệt may trong nước đứng trước ngã ba đường. Một là xu hướng trả lại vốn vay, hai là bán bớt tài sản để trả lại tiền vay ngân hàng, ba là liên tục cắt giảm nhân sự.

Tuy nhiên, ông Nghĩa day dứt khi phải cho lao động nghỉ việc và hiểu những tác động khi công nhân bị thất nghiệp, nên việc tái cơ cấu nhân sự của công ty vẫn chỉ là dự định với ông Nghĩa.

Doanh nghiệp tìm thị trường mới

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỉ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Thực hiện xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3, quý 4. Đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Chính trong bối cảnh khó khăn như vậy, nên các doanh nghiệp dệt may phải mạo hiểm tìm những thị trường mới.

Ông Nguyễn Quang Nghĩa cho biết: "Trong những thị trường mới mà chúng tôi tìm kiếm, có những thị trường mạo hiểm mà chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến như xuất ngược sang thị trường Trung Quốc, hay xuất khẩu sang thị trường Nga".

Ngược lại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas đề xuất các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm giải pháp để giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp để giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác.

Ông Cẩm cho rằng, hiệp hội ủng hộ doanh nghiệp khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Hiệp hội cũng cam kết sẽ thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ...

Việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp cũng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn