MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngành điện cung cấp "combo" từ công tơ đến dây kéo là điểm chưa hợp lý

Cường Ngô LDO | 23/06/2020 15:20

Các chuyên gia cho rằng việc chậm sửa biểu giá điện bậc thang khiến tiền điện tăng vọt mỗi khi nắng nóng. Ngoài ra, việc ngành điện cung cấp "combo" từ công tơ, tới dây kéo cũng là điểm chưa hợp lý.

Dân có quyền nhưng không tận dụng

Hoá đơn tiền điện tháng 6 (tính cho kỳ dùng điện tháng 5) tăng đột biến vào mùa nắng nóng tương ứng với chỉ số công tơ "nhảy vọt" gấp 3-4 lần. Nhiều người dân đặt nghi vấn về sự chính xác của công tơ điện cũng như cách ghi chỉ số công tơ. Đồng thời, việc ngành điện cung cấp “combo” từ công tơ, tới dây kéo, không để người dân mua trực tiếp liệu có khách quan?

TS Phạm Văn Minh - Trưởng khoa Điện (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho Lao Động biết, theo hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt thì công tơ là tài sản của bên bán điện. Tuy nhiên, người dân có quyền được biết về nguồn gốc, xuất xứ của công tơ đó; có quyền được kiểm tra, kiểm định. Tuy nhiên, để minh bạch, ông Minh cho rằng - ngành điện nên để người dân trực tiếp mua công tơ. 

Chuyên gia này lưu ý, mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại, đều phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng.

Người dân có quyền mua công tơ từ những nơi được kiểm định. Ảnh: EVN

Là người tham gia giám sát kiểm tra giá thành điện nhiều năm, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng - trước nay, việc cung cấp, lắp đặt, mang đi kiểm nghiệm, ghi chỉ số công tơ đều do bên điện lực làm.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Công Thương, người dân vẫn có quyền mua công tơ từ những nơi được kiểm định chất lượng, để lắp đặt. Nhưng, thực tế rất ít khách hàng làm điều này, chỉ có một số doanh nghiệp đã áp dụng vì họ sử dụng điện rất lớn.

“Quyền thì vẫn có, nhưng ít người làm, giống như việc khi đi chợ, khách hàng hoàn toàn có thể mang cân đi nhưng rất ít người làm như vậy”, ông Đức nói và cho hay, người dân nên chủ động lắp công tơ riêng, có trao đổi cụ thể với phía điện lực.

Sau khi lắp công tơ, chủ động theo dõi chỉ số, ghi nhật ký công tơ theo chu kỳ của điện lực ghi trên hóa đơn tiền điện. Nếu chênh lệch số nhiều hơn hoặc ít hơn so với số mà ngành điện ghi nhận thì có thể khiếu nại.

Ngoài ra, để giám sát việc ghi chỉ số điện, ông Đức cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tạo một ứng dụng (app) để người dân tự theo dõi, kiểm tra số điện. Theo đó, khi vào app này, số điện của khách hàng sẽ được cập nhật từng giây, từng phút. Việc làm này đòi hỏi có sự nhất quán từ trên xuống dưới.

Nên tính giá điện bậc thang theo năm

Nói về việc áp dụng giá điện bậc thang dẫn tới hệ quả là có sự thay đổi lớn tiền điện, ông Đức cho biết, chính sách giá điện bậc thang có 2 mục đích: Khuyến khích tiết kiệm điện; và phân phối tài sản xã hội - người giàu dùng nhiều trả tiền nhiều, người nghèo dùng ít trả tiền ít.

Theo ông Đức, ở nhiều nước, họ cũng tính giá điện theo bậc thang nhưng không tính tháng như Việt Nam, mà tính theo năm.

Ông Đức lưu ý, nếu áp dụng tính giá điện bậc thang theo năm, theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, họ vẫn thu tiền theo tháng (thu tiền tạm tính). Tức là họ dựa vào kết quả của năm trước, tạm tính một con số để người dân đóng một khoản tiền cố định cho 11 tháng; riêng tháng cuối cùng sẽ chốt số và quyết toán, thừa thiếu thì trả lại cho nhau, đảm bảo ngân sách có dòng tiền. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn