MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách du lịch nước ngoài đã quay lại Huế, nhưng ngành du lịch địa phương này đang thiếu lao động để phục vụ. Ảnh: Tường Minh

Ngành du lịch miền Trung mới chỉ phục hồi khoảng 70% lao động

Tường Minh LDO | 25/02/2023 07:44
Ngành du lịch các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đến thời điểm này mới chỉ phục hồi được khoảng 70% người  lao động.

Tuyển không ra lao động

Những ngày này, các trang tuyển dụng dành riêng cho lĩnh vực dịch vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế, rất nhiều khách sạn từ 3-5 sao đăng thông tin tuyển dụng với nhiều vị trí khác nhau. 

Đà Nẵng tổ chức gian hàng Danang FantastiCity để quảng bá điểm đến tại Hội chợ SATTE 2023 Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng 

Đơn cử như khách sạn Silk Path Grand Hotel & Spa Huế có nhu cầu tuyển dụng ở 11 vị trí với số lượng gần 20 lao động; khách sạn Melia’ Vinpeal Huế tuyển ở 5 vị trí với hơn 10 lao động.

Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương đăng tuyển dụng 6 vị trí với số lượng cũng hơn 10 lao động; khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill Resort & Spa (Về Nguồn) tuyển dụng 11 vị trí với 15 lao động; Khách sạn Indochine Palace tuyển 6 vị trí với 8 lao động…

Các vị trí tuyển dụng tại các cơ sở lưu trú khá đa dạng, tập trung nhiều ở bộ phận lễ tân, bảo vệ, bảo trì, nhân viên bể bơi, nhân viên pha chế, nhân viên phục vụ… 

Đặc biệt là nhiều vị trí liên quan đến bếp và ẩm thực: bếp trưởng điều hành, bếp phó điều hành, tổ trưởng tổ bếp Âu, nhân viên bếp món Âu - Á...

Đại diện Khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill Resort & Spa thông tin, lý do mà khu nghỉ dưỡng tuyển dụng nhiều vị trí liên quan đến ẩm thực, nhất là ẩm thực Âu - Á là xu hướng các thị trường khách này đang dần trở lại Huế tốt hơn.

“Để thu hút lao động, khu nghỉ dưỡng đưa ra nhiều chính sách mới, hấp dẫn hơn so với trước. Bên cạnh áp dụng các chính sách, tham gia đầy đủ bảo hiểm theo quy định; nghỉ phép năm, lễ, tết; thưởng cuối năm, các ngày lễ, Tết; các chế độ phúc lợi đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ… thì khu nghỉ dưỡng áp dụng thêm phụ cấp kinh phí bữa ăn theo ca, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh và vui vẻ để tạo cảm hứng làm việc cho người lao động”, ông Lê Ngọc Thái Dương, Khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill Resort & Spa cho hay.

Tuy nhiên, đặc điểm chung là hiện các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Thừa Thiên Huế đều tuyển không ra lao động. Ví dụ Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương, đã đăng thông báo tuyển dụng hơn 15 ngày mà ứng cử viên đăng ký còn khá khiêm tốn. Để khắc phục sự thiếu hụt tạm thời, doanh nghiệp này tuyển thêm nguồn lao động làm theo thời vụ, bán thời gian như sinh viên để bù đắp vào khoảng trống thời gian tuyển dụng lao động có tay nghề cao.

Chưa phục hồi được lao động

Các địa phương khác ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam… thực trạng tuyển dụng lao động dễ hơn Thừa Thiên Huế, tức cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Khó chăng chỉ là những lao động thuộc khối tay nghề và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, phục hồi công suất khách sạn cũng như lao động lại đang là bài toán khó.

Khách du lịch nước ngoài quay lại Huế sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh. Ảnh: Tường Minh 

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, thời điểm này, du lịch thành phố đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc với những hoạt động xúc tiến quảng bá ở các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ… Khách du lịch nước ngoài từ các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Nhật Bản… cũng đã quay trở lại Đà Nẵng.

Tuy vậy, đến thời điểm này, công suất phòng khách sạn ở Đà Nẵng cũng chỉ mới phục hồi được khoảng 50%. Đặc biệt, “công suất” người lao động trong ngành du lịch mới chỉ phục hồi được khoảng 70%. Tức thời cao điểm, Đà Nẵng có hơn 60 ngàn lao động làm việc trong ngành du lịch thì thời điểm này, số lao động chỉ chưa tới 40 ngàn người.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Thừa Thiên Huế khi thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, toàn ngành du lịch Cố đô có hơn 14.000 lao động trực tiếp và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên đến thời điểm này, theo thống kê của ngành du lịch, mới chỉ có hơn 40% lao động quay trở lại nghề. Trong khi đó dự kiến trong năm 2023 này, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ đón 3 – 3,5 triệu lượt khách. 

Hiện các tỉnh miền Trung đang đồng loạt triển khai các hoạt động quảng bá, làm mới sản phẩm cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch đặc biệt công tác tuyển dụng; đào tạo nguồn nhân lực du lịch ngay từ bây giờ đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, trước mắt là kỳ du lịch lễ 30.4 và hè, chắc chắn ngành du lịch lại sẽ bị động và tiếp tục xuống cấp về chất lượng phục vụ dù đã có hơn 1 năm chuẩn bị sau 2 năm đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn