MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt vụ TNGT đường sắt xảy ra liên tiếp trên cả nước.

Ngành đường sắt đang đơn độc!?

Hữu Long - Văn Phú LDO | 03/06/2018 11:58

Dư luận đang hướng trách nhiệm về phía ngành đường sắt sau hàng loạt những vụ tai nạn giao thông (TNGT – PV) trên tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh việc áp dụng công nghệ mới, thay đổi tư duy của người đứng đầu, các bộ ngành, địa phương cần chung tay đưa ngành đường sắt phát triển.

Sau thế giới 100 năm

Chưa đầy 1 tháng, cả nước xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng khiến dư luận không hỏi đặt câu hỏi về cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ của ngành đường sắt hiện đang có vấn đề. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đồng quan điểm trên và cho biết: Hệ thống đường sắt của nước ta lạc hậu so với nhiều nơi trên thế giới gần 100 năm. Theo ông Hưng, những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh báo đối với ngành đường sắt.

Qua các vụ TNGT đường sắt cho thấy, cơ sở hạ tầng của ngành đang xuống cấp, lạc hậu.

“Toàn tuyến đường sắt Bắc Nam có trên 5.000 điểm giao cắt  nhưng chi có hơn 1.000 đường giao cắt là có phép và 4.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là không có phép. Con số 4.000 đường giao cắt trái phép đã nói lên được nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đường sắt là rất lớn” - ông Hưng nhận định.

Thời gian qua, ngành đường sắt nhận thức được năng lực hạ tầng hiện có của ngành đang tụt hậu nên đơn vị đã đưa ra hàng loạt thay đổi như nâng cao chất lượng phục vụ, rà soát đội ngũ trực tiếp làm công tác chạy tàu... tuy nhiên, đó chỉ mới là phần nổi.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ cho nhận định trên là ngành đường sắt vẫn chưa được đầu tư đúng với kỳ vọng của sự phát triển đất nước.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐ thành viên TCty đường sắt VN thừa nhận, mặc dù Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư, bảo trì và thu tiền phí sử dụng hạ tầng. Thế nhưng, nguồn phí này chỉ mới đáp ứng được 20-30% nhu cầu hằng năm ngành đường sắt được cấp cho việc duy tu, bảo trì.

"Thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng năm này đến năm khác nên hệ thống đường sắt cũ nát, năng suất lao động không cao. Ngành đường sắt đã báo cáo Chính phủ phấn đầu từ nay đến năm 2023, cố gắng đáp ứng được 100% nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng” – ông Minh thông tin.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nhiều địa biểu cho rằng, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành để thay đổi bộ mặt của ngành đường sắt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho rằng, để hạn chế những vụ TNGT nghiêm trọng, bên cạnh những giải pháp của ngành đường sắt thì các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cũng cần có những biện pháp quyết liệt, kiểm tra, xử lý những lối mở tự phát triển tuyến đường sắt đi qua.   

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích thêm, giữa nhiều địa phương và Bộ GTVT đang có khoảng trống trong việc quản lý đường sắt.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng những vụ TNGT tại miền Trung vừa qua phần lớn đều xảy ra tại khu vực đường ngang dân sinh tự phát, có sự quản lý của chính quyền cơ sở chứ không riêng gì ngành đường sắt.

“Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân và cán bộ ngành đường sắt, tôi cho rằng ngành GTVT phải tham mưu cho Chính phủ triển khai các chính sách, thể chế đột phá trong đó có Luật Đường sắt. Từ những tham mưu trên, Chính phủ sẽ chỉ đạo tất cả các bộ ngành phải thực sự vào cuộc thay đổi bộ mặt của ngành đường sắt” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Năm 2017, TCty Đường sắt cho biết, toàn quốc xảy ra 1.367 sự cố chạy tàu, tăng 147 vụ so với năm 2016.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn