MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng hải quan được yêu cầu làm tốt công tác phân loại hàng hoá, góp phần thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Tổng cục Hải quan.

Ngành Hải quan theo dõi sát tình hình thu ngân sách, chống thất thu thuế

TRÍ MINH LDO | 30/10/2023 15:16

Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) vừa có những trao đổi về các giải pháp nhằm pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.

Cụ thể, năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 là 425.000 tỉ đồng. Lũy kế từ ngày 1.1 đến ngày 15.9, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 254.302 tỉ đồng, bằng 59,8% dự toán, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình trên, Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết đã theo dõi sát tình hình thu NSNN, các tác động ảnh hưởng đến thu NSNN như việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, sự biến động của giá dầu, sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế, các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế để kịp thời đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục.

Về công tác quản lý nợ thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan; Thực hiện rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.1.2023 theo 03 nhóm: (i) nhóm nợ khó thu; (ii) nhóm nợ chờ miễn/giảm; (iii) nhóm nợ có khả năng thu hồi, đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật đối với từng nhóm nợ theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo quyết định số 2317/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan;

Tham mưu Lãnh đạo Tổng cục giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế có khả năng thu năm 2023 đối với từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế.

Ngoài ra, về xác định mã số thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu thực hiện kiểm tra, rà soát trên các hệ thống nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các sai phạm, có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện thống nhất công tác phân loại, xác định mã số và áp dụng mức thuế đảm bảo nguyên tắc một mặt hàng một mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế để làm cơ sở cho cán bộ hải quan sử dụng tra cứu, kiểm tra kiểm soát đối với mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại, hàng có tính rủi ro cao về mã số, ngăn ngừa gian lận khi áp dụng các Biểu thuế.

Tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để giám sát việc thực hiện về phân loại hàng hóa: tham gia đoàn công tác do Vụ Thanh tra- kiểm tra chủ trì tại Cục Hải quan TP. Hà Nội, tham gia đoàn công tác do Cục Thuế Xuất nhập khẩu chủ trì tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cán bộ hải quan nắm vững về công tác phân loại hàng hóa, tạo thuận lợi khi thực hiện.

Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2023, chiến sự tại Nga – Ukraine diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh.

Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Từ những yếu tố trên dẫn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15.9 đạt 464,1 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn