MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Anh Tuấn

Ngành sản xuất giảm sâu, công nghệ cao nhưng chỉ là gia công

Cường Ngô LDO | 20/12/2023 17:07

Đó là những vấn đề mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương diễn ra ngày 20.12.

Công nghiệp và thương mại phục hồi

Nêu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Đáng chú ý, trong năm 2023, chúng ta đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỉ USD.

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể", bà Thắng nói.

Trong năm 2023, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả, sức mua của thị trường, phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công thương năm 2023. Trong đó, chỉ số IIP tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn.

"Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.

Điều hành năng lượng của đất nước, phải giải quyết bài toán một cách kỷ luật nhất

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2023, tuy nhiên, ông lưu ý không để xảy ra những vấn đề như thiếu nguyên - nhiên - vật liệu, trong đó có xăng dầu, khí đốt, điện năng.

"Điều hành năng lượng của đất nước, phải giải quyết bài toán một cách kỷ luật nhất, trách nhiệm nhất, tránh để xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, môi trường đầu tư" - ông Hà nhấn mạnh.

Bày tỏ sốt ruột trước nhiều ngành sản xuất giảm khá sâu, như công nghiệp điện tử giảm tới 43%, Phó Thủ tướng cho rằng trong cơn bão nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề cần xem xét lại về chiến lược. Bởi thực tế, công nghiệp và xuất khẩu chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI.

Từ thực tế đó, ông cho rằng ngành Công Thương cần xác định những tiêu chí, điều kiện để lựa chọn những lĩnh vực công nghiệp, các nguồn FDI gắn với nền tảng là công nghệ. Ví dụ, với ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta sẽ hiểu các khâu, chuỗi giá trị thế nào để lựa chọn cho phù hợp.

"Nói đến công nghiệp bán dẫn nhưng cuối cùng cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc… Tôi nhắc điều này để chúng ta đừng có mừng khi FDI đầu tư vào Việt Nam với công nghệ cao nhưng mà chúng ta vẫn chỉ là gia công.

Chúng ta không có bao nhiêu giá trị gia tăng ở đó, không giúp nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Đó là vấn đề lớn đặt ra" - Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế, triển khai hiệu quả các nghị quyết. Tập trung giải quyết các "điểm nghẽn", tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, năng lượng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn