MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo chủ tịch VINATEX, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi. Ảnh: Nam Dương

Ngành sợi ở Việt Nam trước nguy cơ biến mất

Đức Mạnh LDO | 14/03/2024 12:52

Chủ tịch VINATEX cho biết ngành sợi toàn thế giới trong những năm qua đều bị lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Do đó nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì nước ta có thể mất đi ngành sợi.

Tại hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra vào hôm nay (14.3), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phát biểu về những vấn đề đang gặp phải.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) - cho biết ngành sợi toàn thế giới lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 khó hơn. Đặc biệt cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi thì lại rất khó khăn.

"Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%. Còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.

Đối với nhóm sợi hiện nay, nhiều đơn vị vay ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với lãi suất khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước thì khoảng 9%" - ông Trường nói.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về chính sách hỗ trợ khác, hiện nay các nước như Trung Quốc đang duy trì hỗ trợ rất mạnh giá điện. Trung Quốc hiện áp dụng 4 cent/kW, chỉ bằng 50% của Việt Nam và áp dụng hỗ trợ 50% giá vận tải nội địa, kể từ ngày 1.3.2023 tới nay. Hay Bangladesh vẫn đang áp dụng chính sách không bắt buộc bảo hiểm y tế và lương tối thiểu rất thấp với 15 USD/tháng.

"Do đó nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi" - ông Trường nhấn mạnh.

Chủ tịch VINATEX dẫn chứng ngành sợi hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản đầu tư mới khoảng 6 tỉ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỉ USD và hiện nay mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Thêm vào đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động. Tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỉ USD. Đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện.

Ông Trường tin rằng đây là câu chuyện của chu kỳ kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp sợi đều bị như vậy nên cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong năm 2024. Không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất quay trở lại tỉ lệ huy động của họ.

"Hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Mặt khác, thực tế thị trường năm 2023 khó khăn hơn nhiều so với năm 2021, 2022 do Trung Quốc mở cửa và họ là quốc gia canh tranh lớn nhất của thế giới. Đến tháng 12.2023, báo cáo của Trung Quốc cũng mới chỉ huy động được 60% công suất ngành dệt may nên họ tiếp tục chính sách hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ huy động này.

Do đó câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ COVID-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu" - ông đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn