MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Ảnh: T.G

Ngành thực phẩm đồ uống thu hút nhà đầu tư ngoại

THU GIANG LDO | 14/11/2022 09:00
Ngành thực phẩm đồ uống của Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường kinh doanh trước lợi thế quy mô dân số trẻ, thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh sau dịch COVID-19.

Nhiều dư địa phát triển

Là một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản, mới đây Tập đoàn Morinaga Milk Industry đã chính thức ra mắt, sản xuất và bán thương mại các sản phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam. Nắm bắt tiềm năng của thị trường, từ tháng 6.2021, Morinaga Milk Industry đã nhanh chóng mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Elovi Việt Nam (tỉnh Thái Nguyên).

Ông Yoshinobu Masumoto - Giám đốc Marketing, đại diện nhãn hàng Morinaga chia sẻ: “Morinaga là một tập đoàn lớn của Nhật Bản với nhiều công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Bằng việc sử dụng những công nghệ sản xuất tân tiến và hơn 100 năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm sữa, Tập đoàn Morinaga Milk Industry đã tập trung nghiên cứu các dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam”.

Thông tin từ Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ là 6% từ năm 2023 trở đi. Với đời sống kinh tế phát triển, cùng với ý thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao sau dịch bệnh COVID-19, nhiều chuyên gia cũng dự báo nhu cầu về sản phẩm sữa sẽ tăng cao tại thị trường Việt Nam từ năm 2022 - 2031.

Các sản phẩm sữa được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó thị trường sữa chua đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 8% và thị trường đồ uống dinh dưỡng tổng hợp đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm 14%.

Tận dụng lợi thế, phân phối sản phẩm đa kênh 

Tại hội thảo mới đây, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc cung cấp sản phẩm dịch vụ tới tay người tiêu dùng đã vượt qua giới hạn về cả khoảng cách thời gian cũng như không gian địa lý, đồng thời nó ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng cũng như tối thiểu hóa chi phí trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chủ động, ưu tiên hàng đầu là nắm được những quy định trong các FTA và tăng cường năng lực tiếp cận thị trường bằng các nền tảng số.

Với các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, cơ hội để tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA đang rất rộng mở. Đó là nhờ vào lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang Châu Âu. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn được miễn kiếm tra cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình được công nhận về sản phẩm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) của Liên minh Châu Âu (EU).

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng luật sư IDVN, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có khá nhiều lợi thế, do có nguồn nguyên liệu nguồn gốc từ nông sản trong nước phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ cũng góp phần giúp các doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống vẫn có quy mô nhỏ hẹp, nguồn vốn hạn chế. Hệ thống cung cấp nguyên liệu trong nước thủ công và thô sơ, nhiều khâu phân tán dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu. Sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp, chưa được người tiêu dùng nước ngoài nhận biết. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lên kế hoạch dài hạn để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe về bảo vệ môi trường trong phát triển, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn