MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngành xăng dầu đang được điều hành như kiểu mua tem phiếu bao cấp ngày xưa

Anh Tuấn - Cường Ngô LDO | 19/02/2022 16:50

Theo chia sẻ của nhiều người, việc nhiều cây xăng bán nhỏ giọt hoặc không có xăng để bán do bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu. Cơ quan quản lý vẫn còn hết sức lúng túng trước "cơn bão giá" xăng dầu.

Xăng dầu bán nhỏ giọt, giá xăng dự báo lại tăng mạnh

Ngày 18.2, Huyền Trân (TPHCM) đi đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở địa chỉ 679 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, TPHCM. Trân đề nghị đổ đầy bình xăng cho xe gắn máy (khoảng 80.000 đồng).

Tuy nhiên, một nhân viên ở đây cho biết, hiện xăng E5 RON 92 của cửa hàng còn ít, nên hiện chỉ bán tối đa cho mỗi người đi xe máy với mức 50.000 đồng/lượt. Nhân viên cũng giải thích thêm hiện cửa hàng chưa nhập hàng về kịp nên bán hạn chế. 

"Tôi cho rằng, nguồn cung xăng dầu khan hiếm, cây xăng bán nhỏ giọt do bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu. Cơ quan quản lý vẫn còn hết sức lúng túng trước "cơn bão giá" xăng dầu. Tôi cảm giác ngành xăng dầu đang được điều hành như kiểu mua tem phiếu bao cấp ngày xưa vậy", chị Huyền Trân than thở.

Cửa hàng xăng dầu 679 Nguyễn Duy Trinh bán nhỏ giọt. Ảnh: H.T 

Nỗi lo lắng giá cao, khan hàng của người tiêu dùng ngày càng lớn vì chỉ còn 2 ngày nữa là đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu (ngày 21.2). 

Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trong phiên giao dịch ngày 18.2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3.2022 ở mức 91,39 USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng trong phiên. Nếu so cùng thời điểm ngày 17.2, giá dầu WTI giao tháng 3.2022 đã tăng 0,30 USD/thùng. 

Ông tính toán, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21.2, giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít. Bởi, đến hôm nay (18.2), ông dự tính giá xăng đã phải tăng lên mức 700-800 đồng/lít.

Giá xăng "uy hiếp" cước vận tải, logistics

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20 - 30%, trong khi doanh nghiệp mới trở lại sản xuất, mọi thứ còn rất khó khăn.

"Thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng; doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", ông Lĩnh nói và dẫn chứng, trước đây, công ty của ông xuất khẩu một container giá trị hàng hóa khoảng 100.000 USD chỉ mất từ 1.500 – 2.500 USD chi phí vận tải, còn bây giờ, chi phí vận tải lên hơn 8.000 USD, tăng gấp hơn 4 lần.

"Ngày trước, chi phí vận tải chỉ chiếm 1,5% - 2,5% trong giá xuất của mỗi doanh nghiệp, thì bây giờ tăng lên 8%. Trong khi, doanh nghiệp không thể tăng giá hàng hoá vì đây đều là những hợp đồng đã ký từ trước", ông nói.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xuất nhập khẩu Trần Quốc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Tây Ninh cho hay, câu chuyện giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước mà còn tác động trực tiếp đến hàng xuất khẩu Việt Nam. 

Ông lấy ví dụ, giá xuất khẩu bột mì là 10.500 triệu đồng/tấn. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu.

Ông Quốc cũng cho rằng, đang có hiện tượng "găm hàng" xăng dầu, chờ tăng giá, hoặc làm khó, không cho doanh nghiệp vận tải thanh toán cuối kỳ như trước đây, mà phải thanh toán ngay trong mỗi lần mua xăng dầu.

"Nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo", ông Quốc nói.

Bao giờ hết cảnh bán xăng dầu nhỏ giọt?

Trước thực tế phản ánh về việc một số cây xăng chỉ bán nhỏ giọt, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đã nắm được thông tin và Bộ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và quản lý thị trường.

"7-10 ngày nữa, tình hình sẽ tốt hơn do hàng được các đầu mối bổ sung nhiều hơn từ nguồn nhập khẩu và kỳ điều hành sắp tới sau thời gian giữ bình ổn cho người dân và doanh nghiệp dịp Tết theo chủ trương chung của Chính phủ", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.

Chính phủ lại nhắc Bộ Công Thương cần "chịu trách nhiệm toàn diện" về kết quả điều hành giá xăng dầu

Hôm qua (18.2), Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Văn bản cũng nhấn mạnh, cơ quan điều hành cần "chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật”. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn