MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh vắng khách tại các chợ dân sinh trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội (1.4.2020). Ảnh: Kh.V

Ngày đầu tiên cách ly toàn xã hội: Ngoài chợ người bán đông hơn người mua

Vũ Long LDO | 01/04/2020 17:19

Tình trạng vắng khách, ế ẩm tại các chợ dân sinh trong ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội để ứng phó với COVID-19,  trái với cảnh chen chúc mua hàng tích trữ chiều 31.3.2020.

Nếu như chiều 31.3.2020,  tại nhiều khu chợ xảy ra tình trạng tranh nhau mua hàng hóa để tích trữ, thì hôm nay (1.4.2020) - ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, tại các chợ dân sinh lại xảy ra tình trạng ế ẩm. Mặc dù hàng hóa tràn ngập, nhưng tại các chợ, người bán hàng còn đông hơn cả người đi mua.

Cảnh vắng khách tại khu bán thủy, hải sản. Ảnh: Kh.V

Khảo sát 1 vòng tại các chợ, PV ghi nhận tình trạng vắng khách. Tại các quầy bán lương thực, thực phẩm, tạp hóa, đồ dùng thiết yếu…, lượng hàng hóa khá dồi dào, nhưng hầu như rất ít khách ghé mua.

“Nhìn cảnh tranh nhau mua hàng chiều qua, cứ nghĩ sáng nay người dân sẽ tiếp tục ra chợ mua thực phẩm về dự trữ, tôi lấy thêm nhiều rau củ có thể bảo quản được lâu như su hào, bí xanh,  bí ngô, dưa chuột, bắp cải… Không ngờ từ sáng đến giờ mới bán được hơn 1 trăm nghìn tiền rau” – chỉ tay vào "núi" rau củ trước mặt chưa bán hết, bà Nguyễn Thị Hà (kinh doanh rau quả tại chợ Quan Hoa, Hà Nội) buồn rầu than thở.

Vắng khách và ế ẩm, người phụ nữ này tranh thủ... ngủ gật. Ảnh: Kh.V

Bà Phạm Thị Lan, chuyên kinh doanh hải sản tại góc đường Trần Vỹ cũng chung cảnh ế ẩm trong ngày đầu thành phố thực hiện cách ly. “Bao nhiêu hải sản đông lạnh ôm về, giờ vắng khách như này chắc phải lay lắt cả tuần mới bán hết” – bà Lan nói với vẻ mặt ỉu xìu.

Thực tế là hiện nay, các mặt hàng nông, lâm, hải sản phục vụ người tiêu dùng trong đợt cách ly toàn xã hội 15 ngày đã được các doanh nghiệp và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Công Thương chuẩn bị khá tốt.

“Lượng hàng hóa rất dồi dào, hết đến đâu sẽ được vận chuyển từ các tỉnh lân cận về, từ miền Nam ra, người dân không nên lo lắng” – ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin.

Người phụ nữ này cho biết, cả sáng 1.4.2020 bà không bán được kg gạo nào vì vắng khách. Ảnh: Kh.V

Còn theo Bộ NNPTNT, với tổng đàn khoảng 24 triệu con lợn, ngoài sản lượng 4 triệu tấn thịt lợn, Việt Nam đang tiếp tục nhập khẩu thịt lợn từ các nước Mỹ, Nga, Ba Lan, Canada. Hiện tại, đã có 1.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Nga) cập cảng Việt  Nam, 2.000 tấn đang tiếp tục bổ sung. Việt Nam cũng là quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi gia cầm; có sản lượng thủy, hải sản lớn… đủ đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Vì vậy, mỗi người dân có thể yên tâm thực tốt việc cách ly, chung sức đẩy lùi dịch COVID-19, không nên lo lắng ồ ạt tích trữ hàng hóa, tạo cơ hội cho tư thương đẩy giá lên cao gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn