MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị cao hơn giá lợn xuất chuồng từ 100-120%, mặc dù giá lợn xuất chuồng chỉ còn 70.000 đồng/kg. Ảnh: Kh.V

Ngày thứ 3 giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, thịt lợn tại chợ vẫn đắt

Khánh Vũ LDO | 03/04/2020 15:18

Ngày 3.4.2020, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh giảm nhẹ 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng vẫn phổ biến ở mức 140.000-160.000 đồng/kg, chênh lệch cao hơn giá xuất chuồng tới 100%, thậm chí 120%.

Giá thịt lợn bán lẻ cao giá xuất chuồng 120%

Thấy chỉ mua hơn 3 lạng thịt nạc xay mà phải trả tới 50.000 đồng, bà Dương Thùy Dung (ngõ 56 Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội) cương quyết trả lại miếng thịt và đi mua nơi khác.

Thế nhưng,  tại 1 chợ dân sinh trên đường Trần Vỹ, bà vẫn phải mua với giá tương tự vì giá thịt lợn tại chợ này cũng chung mức từ 140.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có phần đắt hơn.

Khi được hỏi tại sao giá lợn hơi giảm còn 70.000 đồng/kg nhưng giá thịt lợn bán tại chợ vẫn quá đắt, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại khu vực Cầu Giấy chia sẻ dù giá giảm còn 70.000 đồng/kg hay thậm chí thấp hơn, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này chưa bao giờ lấy được thịt lợn với mức giảm tương ứng.

“Như sáng nay đây (3.4.2020), tôi vẫn phải lấy thịt lợn xẻ với giá 113.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với hôm qua (2.4.2020). Nếu tính ra, giá này, tính ra tương đương với giá lợn hơi khoảng 90.000 đồng/kg” – bà Nguyễn Thị Tuyết (trú tại Mê Linh, Hà Nội), kinh doanh thịt lợn tại quận Cầu Giấy, cho biết.

Không riêng gì địa bàn quận Cầu Giấy, mà hầu hết các chợ dân sinh, giá thịt lợn ngày 3.4.2020 vẫn phổ biến ở mức 140.000-160.000 đồng/kg, cá biệt có loại còn đắt hơn như sườn (165.000đ/kg), sườn thăn bỏ cục: 175.000 đồng/kg

Không chỉ tại các chợ dân sinh,  giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị cũng ở mức cao. Cụ thể, tại  siêu thị Coopmart Hà Đông, thịt ba chỉ của C.P được siêu thị này bán ở mức 176.000 đồng/kg; sườn: 203.000 đồng/kg; thịt nạc dăm 177.000 đồng/kg...

Tại các siêu thị mini của Vinmart, giá thịt nạc xay khoảng cũng 150.000 đồng/kg, thậm chí sườn thăn của Meat Deli lên tới 252.000 đồng/kg.

Cần cắt bớt "chân rết" ở khâu lưu thông

Chia sẻ về những bất cập về mức giá bán ở trang trại và giá thịt khi đến tay người tiêu dùng, một người chăn nuôi tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai bày tỏ bức xúc ai cũng nhìn thấy chênh lệch giữa giá bán ra của người chăn nuôi và giá mua vào của người tiêu dùng, nhưng không một cơ quan nào đứng ra giải quyết vấn đề này.

Từ khi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng, thịt lợn qua quá nhiều khâu lưu thông, chịu quá nhiều mức phí khiến giá thịt lợn luôn ở mức cao. Ảnh: Kh.V

“Vấn đề quan trọng là giảm được giá bán tới tay người tiêu dùng, chứ chỉ giảm giá xuất chuồng, nhưng bỏ trống khâu trung gian thì chỉ có người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt, còn khâu trung gian vẫn “sống khỏe”, thu lãi tốt mà không cần lo dịch bệnh, giá cám lên xuống” – ông Phan Tuấn Anh – Chủ trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nêu ý kiến.

Cùng chung quan điểm, ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam nhấn mạnh: “Khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Theo vị Phó Tổng Giám đốc của C.P, để giảm khâu trung gian, thời gian tới, Công ty C.P sẽ trực tiếp đẩy mạnh bán thịt lợn trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Hiện nhà máy giết mổ của C.P xây dựng tại Chương Mỹ (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, với công suất trên 4.000 con/ngày.

Với việc khép kín chuỗi chăn nuôi từ khâu giống-nuôi-giết mổ-phân phối ra thị trường, chắc chắn sẽ cải thiện được chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian…" C.P cũng đã xúc tiến triển khai liên kết với các nhà máy giết mổ chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát" - ông Vũ Anh Tuấn cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn