MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghị định 08 tạo cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ trái phiếu. Ảnh: Đức Mạnh

Nghị định 08 mở lối thoát cho doanh nghiệp

Đức Mạnh LDO | 28/03/2023 19:37

Chuyên gia cho rằng, với Nghị định 08, doanh nghiệp bất động sản sẽ có thời gian để tái cấu trúc. Ngân hàng cũng sẽ không chịu áp lực nợ xấu tăng lên.

Ngoài việc được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn, theo luật sư Lê Thu Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước... vẫn chỉ là những giải pháp tình thế.

"Cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực hiện tại nhưng áp lực đó sẽ bị đẩy về tương lai trong 1 - 2 năm tới. Vì vậy, cả doanh nghiệp và trái chủ đều phải tỉnh táo. Nếu không "gió mát" cũng có thể biến thành "cơn sốt rét” hồi nào không hay" - luật sư lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam - nhận định, thông qua Nghị định 08, nhà nước đã tạo ra cơ chế để thị trường tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tinh thần của Nghị định 08 có sự ưu ái cho phía doanh nghiệp phát hành.

Theo chuyên gia, khi thời gian thanh toán được gia hạn, phía trái chủ sẽ bị áp đặt về vấn đề chi phí. Đồng thời, việc có thể nhận lại tiền trong tương lai (1 hoặc 2 năm sau) vẫn chưa chắc chắn.

Còn phía doanh nghiệp thì giảm được gánh nặng tài chính và không phải phá sản. Doanh nghiệp chỉ cần ra thông báo ngừng trả nợ do tình hình khó khăn và đề xuất với nhà đầu tư cho phép được gia hạn thời gian, cùng với đó là các giải pháp để thanh toán.

Như vậy, các doanh nghiệp vẫn sẽ tồn tại, không bị đổ vỡ hay phá sản và các khoản nợ vay ngân hàng cũng có thể không bị coi là nợ xấu, không bị chuyển nhóm nợ.

Ông Thành cho biết: "Đây là giải pháp mua thời gian, tương tự như cách đây 13 năm và kỳ vọng tình hình có thể phục hồi trở lại vào năm 2025. Chịu thiệt sẽ là các nhà đầu tư trái phiếu còn doanh nghiệp bất động sản thì có thời gian để tái cấu trúc. Ngân hàng cũng sẽ không chịu áp lực nợ xấu tăng lên".

Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 (tỉ đồng). Ảnh: VNDirect 

Bổ sung thêm, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - đánh giá, Nghị định 08 đã mở ra một lối thoát cho nhà phát hành, nhưng điều quan trọng là hai bên (tổ chức phát hành và người sở hữu trái phiếu) phải đạt được thỏa thuận trên cơ sở khung pháp lý quy định.

Theo đó, việc tổ chức phát hành xin kéo dài, giãn thời gian đáo hạn trái phiếu nhưng không phải cứ đưa ra là trái chủ đồng ý.

Tất cả đều cần phải đàm phán, thỏa thuận, hai bên cùng ngồi lại xem tổ chức phát hành đưa ra đàm phán gì, điều kiện thay đổi trong tương lai ra sao. Nếu mức lãi suất trái phiếu cao khoảng 13 - 15%/năm trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang có xu hướng điều chỉnh giảm như hiện nay bản thân trái chủ sẽ cân nhắc việc lấy lại tiền gốc, lãi đúng hạn hay tiếp tục đầu tư có lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn