MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Nghị định 65 - liều doping hụt với cổ phiếu bất động sản?

Đức Mạnh LDO | 24/09/2022 18:03

Dù Nghị định 65 ra đời được kỳ vọng giải cơn khát vốn cho các doanh nghiệp bất động sản nhưng cổ phiếu ngành này lại vận động trái ngược. Không những mất giá, một số mã còn bị khối ngoại bán ròng không thương tiếc.

Kỳ vọng giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp bất động sản

Theo các chuyên gia, dù room tín dụng ngân hàng đã được nới ở mức độ nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản. 

Sau nhiều động thái chấn chỉnh của cơ quan quản lý cùng loạt quy định mới từ phía Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp (TPDN) bất động sản ngày càng suy giảm. Tiêu biểu trong tháng 7 và 8 vừa qua, mỗi tháng chỉ ghi nhận duy nhất 1 doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu.

Thông kê cho thấy, chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn TPDN tính riêng trong năm nay đạt 35,56 nghìn tỉ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỉ đồng vào năm 2023. Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.

Do đó, Nghị định 65 sửa đổi bổ sung Nghị định 153 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu, từ đó khơi thông nguồn vốn bị ùn ứ.

Đặc biệt, Nghị định 65 vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó. Chuyên gia của FiinRatings đánh giá điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án.

"Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng ngân hàng hiện nay. Chúng tôi cũng kỳ vọng các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà", FiinRating nhận định.

  Tính chung cả tuần qua (19-23.9), nhóm cổ phiếu bất động sản đã tụt lùi 2,61%

Liều doping hụt?

Diễn biến giá của nhóm cổ phiếu bất động sản lại không tích cực như những gì Nghị định 65 kỳ vọng mang lại. Phiên giao dịch đầu tiên sau khi thông tin Nghị định 65 được công bố, nhóm bất động sản lập tức điều chỉnh giảm 1,66%. Tính chung cả tuần, nhóm này giảm 2,61%.

Những doanh nghiệp đang niêm yết huy động vốn từ kênh trái phiếu có thể kể ra như Vingroup, CTCP Nam Long, Địa ốc Nova hay Đất Xanh...

Trên thị trường chứng khoán, mã NLG có diễn biến tiêu cực nhất khi mất 7,79% trong tuần qua xuống 35.500 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm đến nay, NLG đã "bốc hơi" tới 44% thị giá.

Cũng trong tuần qua, NVL giảm 2,2% xuống 84.500 đồng/cổ phiếu. SCR mất 3,38% còn 10.000 đồng/cổ phiếu. VPI rớt 0,33% xuống 60.700 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, cổ phiếu KDH còn bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần với giá trị bán ròng đạt 166,8 tỉ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt gần 5,3 triệu đơn vị.

Trong động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nâng mạnh loạt lãi suất. Theo Chứng khoán Agriseco, ngành bất động sản với tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao (0,53 lần) có thể chịu áp lực trong môi trường lãi suất cao. Chi phí mua nhà tăng và nguồn cung khan hiếm dẫn đến việc thanh khoản trên thị trường bất động sản thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp vì thế mà suy giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn