MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài đăng trên báo Lao Động ngày 22.7.2020.

Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng: “Điểm bẩy” nào dành cho tư nhân?

Cường Ngô LDO | 11/08/2020 08:30
Liên quan thông tin Báo Lao Động phản ánh về biện pháp thu hút tham gia của tư nhân vào phát triển năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chuyển Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét. Bộ Công Thương cho biết, đây là vấn đề lớn, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bộ này đang xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

“Vấn đề rất lớn, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu thông tin Báo Lao Động phản ánh về nhiệt điện than và biện pháp thu hút tham gia của tư nhân vào phát triển năng lượng.

Công văn nêu rõ, Báo Lao Động ngày 22.7.2020 phản ánh nội dung: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “đòn bẩy” để doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào phát triển năng lượng. Tuy nhiên, có “đòn bẩy” là chưa đủ, phải có “điểm bẩy”. “Điểm bẩy” ở đây chính là Chính phủ, các bộ, ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chuyển Bộ Công Thương nghiên cứu.

Về thông tin này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho Lao Động biết, đây là vấn đề lớn, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thậm chí phải thay đổi cả Luật Điện lực và xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Bộ Công Thương đang bắt đầu triển khai vấn đề này.

Đánh giá về vai trò của tư nhân khi tham gia phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua, ông Dũng nhận định, có rất nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam đã được tham gia của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tỉ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT và IPP trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 đã tăng lên 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019.

Theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, với nguồn ngân sách còn eo hẹp do tỉ lệ tích luỹ nội bộ còn ở mức thấp, luôn phải vay nợ nước ngoài và trong tình trạng bội chi ngân sách thì khó đủ vốn để tái đầu tư vào các công trình kết cấu nguồn điện mới. Do vậy, các dự án đầu tư nguồn điện theo hình thức BOT, IPP được xem như là một trong những biện pháp hàng đầu, nhằm để huy động vốn, để phát triển kết cấu hạ tầng ngành Điện.

“Các dự án đầu tư BOT điện, không những góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước mà còn đem lại các lợi ích khác như chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, bí quyết công nghệ, trình độ quản lý của khu vực tư nhân và đạt được các mục tiêu khác” - ông Hoàng Tiến Dũng nói.

“Điểm bẩy” nào dành cho doanh nghiệp tư nhân

Đại diện Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long (thuộc Tập đoàn Geleximco) cho biết, các dự án năng lượng là những dự án rất phức tạp, nhất là các dự án nhiệt điện than. Trong đó, có những dự án từ lúc bắt đầu lập dự án, cho tới lúc đưa vào hoạt động mất hàng chục năm. Do vậy, tỉ lệ rủi ro đầu tư rất cao.

Với những lý do như trên, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn đắn đo chưa mặn mà trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ những doanh nghiệp tư nhân nào có nguồn lực đủ mạnh mới dám đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhiệt điện than này”, đại diện Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long bộc bạch.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group cũng bày tỏ - những doanh nghiệp tư nhân đang rất mong chờ những cơ chế cụ thể, tạo ra một hành lang pháp lý, để triển khai, cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển năng lượng.

Về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng, mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực năng lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thực hiện ngay công tác thể chế hóa thông qua việc xây dựng các Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) theo các định hướng chiến lược trong Nghị quyết, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết; xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức xây dựng và thực hiện các quy hoạch về điện lực, hệ thống xăng dầu, năng lượng tái tạo; các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện công tác khảo sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra tiềm năng và các hoạt động năng lượng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn