MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá bán ra rẻ hơn nhập vào, tiểu thương Chợ nổi Cái Răng cố gắng bám trụ từng ngày. Ảnh: Bích Ngọc

Nghịch lí tiểu thương chợ nổi Cái Răng lại phải bỏ ghe lên bờ tìm khách

VÂN HI LDO | 02/01/2024 16:43

Cần Thơ - Để mưu sinh, một số tiểu thương ở Chợ nổi Cái Răng buộc phải mang thực phẩm, nông sản từ ghe lên bờ để bán trước tình hình người dân không còn mặn mà với chợ nổi.

Tiểu thương chợ nổi lên bờ tìm khách

Dậy từ lúc 4h sáng, anh Nguyễn Văn Bảy (tỉnh Đồng Tháp) xuôi ghe, chở khóm về Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) để kịp giao thương. Hơn 20 năm theo nghiệp thương hồ, trải qua nhiều khó khăn, nhưng đây là lần anh Bảy ngậm ngùi vì chợ nổi chẳng còn "nổi".

Theo anh Bảy, cách đây mấy năm về trước, ghe xuồng ken dày dài hơn 1km đường sông, tiếng rao hàng xôn xao, náo nhiệt. Tuy nhiên, hiện nay một số tiểu thương bỏ chợ nổi lên bờ tìm việc khác, hay tiền bán thâm vào tiền vốn vì người dân không còn mặn mà với chợ nổi.

"Xung quanh đây trên bờ toàn chợ, đường sá đi lại cũng thuận tiện hơn. Ai mua gì thì ghé chợ mà mua nên tiểu thương chợ nổi buôn bán ế ẩm hơn. Nhập khóm tại vườn 8.000 đồng/kg, đến chợ nổi bán chỉ còn 6.500 đồng/kg, nếu để lâu khóm sẽ hư nên buộc lòng phải bán giá đó. Chưa kể tiền xăng dầu đi lại, ăn uống..." - anh Bảy nói.

Từng trải qua giai đoạn chợ nổi thịnh hành, khi mọi giao thương đều trên chợ nổi, bán hết gánh bún riêu chỉ trong 1 giờ, nay chị Bùi Thị Lý (TP Cần Thơ) ngậm ngùi cập ghe vào bờ kè, lên bờ tìm người ăn. "Lúc trước đông, ghe xuồng cứ thế cập vào nhau để bán. Bây giờ vắng, cũng ít ai ăn bún trên ghe, lác đác vài khách nước ngoài. Để mưu sinh tôi đành phải lên bờ gọi mời từng người, ai ăn gì, mua gì thì mình xuống ghe mang lên cho họ" - chị Lý bộc bạch.

Chứng kiến cảnh chợ nổi gặp khó khăn, chị Lý không khỏi xót xa: "Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân vì chợ nổi đã không còn được như trước, nếu tôi có vốn nhiều, tôi cũng sẽ lên bờ tìm việc khác để mưu sinh".

Cần phương án lâu dài

Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương trên Chợ nổi Cái Răng, vì chợ nổi là nét văn hóa truyền thống của vùng ĐBSCL, bên cạnh đó, đa số tiểu thương "rẽ sóng mưu sinh" đã gắn bó lâu với chợ nên dù buôn bán khó khăn vẫn cố gắng bám trụ từng ngày.

Tiểu thương Chợ nổi Cái Răng bày tỏ mong muốn chợ nổi sớm khắc phục được khó khăn để việc buôn bán được thuận lợi. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Phan Văn Trí (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Đi ghe từ năm 16 tuổi đến nay cũng 35 năm. Từ lâu tôi đã xem ghe là nhà, giờ bắt tôi bỏ ghe lên bờ tôi cũng chẳng biết làm gì khác. Nhưng buôn bán khó khăn như hiện nay, tôi không biết mình trụ được bao lâu".

"Chợ nổi cũng là truyền thống của ông bà mình để lại, nếu tiểu thương bỏ chợ lên bờ thì sau này lớp trẻ còn ai biết đến chợ nổi nữa không?" - anh Nguyễn Văn Bảy (tỉnh Đồng Tháp) trăn trở.

Trước đó, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Cái Răng về tình hình phát triển kinh tế 5 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 7 tháng cuối năm 2023, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận: Hiện tại, Chợ nổi Cái Răng đang có dấu hiệu đi xuống, nếu không tác động thì sẽ còn đi xuống hơn nữa. Do đó, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn, cách tiếp cận là vô cùng quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo.

Nhằm bảo tồn, phát triển Chợ nổi Cái Răng, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ đang xây dựng hoàn thiện Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch". Theo đó, đối tượng được xác định là thương hồ. Đề án sẽ nghiên cứu toàn bộ không gian của di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng và tuyến đường đưa khách từ Bến Ninh Kiều vào chợ nổi.

Cụ thể, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ đề xuất một số kịch bản dự kiến như tổ chức mô hình quản lý chợ nổi và mời gọi đầu tư khai thác quản lý từ khu vực Bến tàu du lịch đến Chợ nổi Cái Răng; sắp xếp lại tàu bè neo đậu tại chợ nổi; kêu gọi đầu tư tại khu vực nhà kho - chợ nổi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn