MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý kênh Ba Bò

Cao Hùng LDO | 13/07/2017 06:28
Từ cách đây 10 năm, TPHCM đã lên dự án cải tạo kênh Ba Bò, do dòng kênh gây ô nhiễm khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề cho đời sống của hàng chục ngàn người dân quận Thủ Đức.
Ban đầu, dự toán dự án khoảng 307 tỉ đồng để cải tạo chiều dài 1.700m con kênh và 865m kênh nhánh. Năm 2009, phát sinh xây thêm hồ sinh học (6ha), trạm bơm xử lý ô nhiễm... khiến cho tổng vốn đầu tư kênh Ba Bò nâng lên thành 744 tỉ đồng. Oái oăm, nguyên nhân gây ra ô nhiễm nước dòng kênh, phần lớn xuất phát từ nguồn xả thải của các DN trong các KCN như: Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và Đồng An 1 thuộc thị xã Thuận An, Dĩ An, và nguồn xả nước thải sinh hoạt từ 6 khu dân cư của tỉnh Bình Dương.

Vì vậy, tỉnh Bình Dương cũng lên phương án cùng cải tạo kênh Ba Bò, với số vốn là 345 tỉ đồng cho cải tạo dòng kênh thuộc địa giới tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Bình Dương cũng triển khai xây dựng trung tâm xử lý nước thải Nam Bình Dương nhằm tham gia xử lý các nguồn xả thải để giúp kênh Ba Bò giảm ô nhiễm...

Như vậy, tổng cộng chung số vốn của 2 địa phương để cải tạo kênh Ba Bò ngót nghét... hơn 1.100 tỉ đồng. Tiền nhiều, nhưng tiến độ cải tạo kênh Ba Bò lại rùa bò đến nay đã 10 năm chưa xong. Hàng chục vạn dân vùng hạ du vẫn phải ca thán, vì mùi hôi, độ ô nhiễm phát ra từ con kênh ô nhiễm này. Lý giải cho sự chậm trễ này, lãnh đạo Trung tâm chống ngập TPHCM đổ cho tỉnh Bình Dương chưa xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải Nam Bình Dương, nên hồ sinh học (6ha), phía TPHCM đã xây dựng xong, nhưng phải... để đó.

Đáng chú ý, trong quá trình chất vấn tại kỳ họp này, lại... vỡ thêm, đó là hồ sinh học trong dự án kênh Ba Bò, chỉ có khả năng xử lý nước thải sinh hoạt, không xử lý được nước thải công nghiệp. “Bởi, hồ sinh học dựa trên nguyên lý vi sinh. Một khi nước thải công nghiệp xả vô, vi sinh sẽ chết” - ông Nguyễn Ngọc Công - GĐ Trung tâm chống ngập TPHCM cho biết.

Nguồn nước thải kênh Ba Bò đổ từ Bình Dương về là trộn lẫn giữa 2 nguồn xả thải - nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Vậy, làm sao tách bạch riêng nguồn nước thải sinh hoạt cho hồ sinh học xử lý? Nghịch lý rõ mồn một đã phát ra ngay trong phiên chất vấn, nhưng chưa được ai truy vấn tới cùng, mà chỉ chốt lại rằng, phải làm việc với tỉnh Bình Dương, mới có thể vận hành được hồ sinh học...

Một khi không tính đến nguồn nước thải công nghiệp từ kênh Ba Bò, rất dễ hồ sinh học sẽ đứng trước nguy cơ... “để dành” dài dài, dù tốn kém trên 400 tỉ đồng để xây dựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn