MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành dăm được hình thành là kết quả của việc mất cân đối giữa vùng rừng trồng và cơ sở chế biến sâu. Ảnh minh họa.

Nghịch lý ngành gỗ: Mất cân đối năng lực chế biến sâu tại vùng nguyên liệu

Vũ Long LDO | 21/09/2020 17:25

Sự mất cân đối giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu đã khiến ngành gỗ dăm phát triển, nhưng lợi ích không lớn.

Mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và năng lực chế biến

Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện đang tồn tại việc mất cân đối mang tính chất hệ thống giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu.

Những vùng có các diện tích rừng trồng lớn nhất cũng chính là vùng có năng lực chế biến sâu hạn chế nhất, và ngược lại. Sự hình thành và phát triển của ngành gỗ dăm là kết quả tất yếu của việc mất cân đối này.

Tại khu vực Miền Trung (bao gồm Bắc Trung Bộ và duyên hải) nơi diện tích rừng trồng chiếm 40,8% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước, các cơ sở chế biến sâu chỉ chiếm 23,2% trong tổng số cơ sở chế biến sâu, trong khi các cơ sở chế biến dăm chiếm trên 60,5% tổng cơ sở chế biến dăm cả nước.

Tương tự, ở khu vực Đông Bắc, diện tích rừng trồng chiếm 36,1%, các cơ sở chế biến sâu chiếm 11,5% và các cơ sở dăm chiếm 27,7%.

Ngành dăm được hình thành là kết quả của việc mất cân đối giữa vùng rừng trồng và cơ sở chế biến sâu, khi những vùng có các diện tích rừng trồng lớn nhất cũng chính là vùng có năng lực chế biến sâu hạn chế nhất, sự hình thành và phát triển của ngành dăm là kết quả tất yếu của việc mất cân đối này.

Xuất khẩu gỗ dăm tăng: Mừng hay lo?

Theo đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp dăm lớn ở khu vực Miền Trung, khoảng 80-85% lượng gỗ rừng trồng từ khu vực này được sử dụng làm nguyên liệu dăm; 15-20% còn lại đi vào gỗ tinh chế. Lượng dăm xuất khẩu ở các địa phương từ khu vực Huế đến Đà Nẵng chiếm khoảng 45% tổng lượng gỗ dăm của cả nước.

Thiếu chế biến sâu, các hộ trồng rừng đành “bán non” gỗ nhỏ để làm ván dăm.

Đây cũng là nơi có gỗ tinh chế sản xuất ra có lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 5% trong tổng lượng gỗ tinh chế sản xuất từ gỗ rừng trồng trong cả nước.

Chỉ tính riêng lượng dăm xuất khẩu qua cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) đã chiếm tới 25% trong tổng lượng dăm xuất của cả nước, trong khi các cơ sở chế biến sâu lại hầu như không hiện diện tại nơi này.

Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend, gỗ rừng trồng chủ yếu đi vào dăm đã hạn chế tính đa dạng của các cơ sở chế biến sử dụng gỗ rừng trồng, điều này cản trở sự hình thành môi trường cạnh tranh về giá gỗ nguyên liệu rừng trồng. "Thiếu cạnh tranh làm lợi ích kinh tế từ gỗ rừng trồng của hộ thấp. Các hộ không có lựa chọn về thị trường đầu ra cho nguồn gỗ của mình và buộc phải bán gỗ làm dăm" - TS Tô Xuân Phúc nói.

Mặc dù những lợi ích từ xuất khẩu gỗ dăm là không thể phủ nhận. Nhưng, ngành dăm đang có những tín hiệu của sự không bền vững.

Giá xuất dăm luôn có xu hướng giảm trong thập kỷ gần đây và thường dao động ở mức 120-140USD/tấn (tùy thuộc thị trường xuất khẩu), trong khi giá gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào tăng, từ khoảng 0,6 triệu đồng/m3 cách đây khoản 1 thập kỷ, tới mức giá hiện tại khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/m3.

“Điều này có nghĩa lợi nhuận của các doanh nghiệp dăm đang có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp hoặc phải tăng quy mô sản xuất, hoặc phải tìm cách giảm chi phí. Đây là tín hiệu thể hiện các khía cạnh không bền vững của ngành dăm trong tương lai” – TS Tô Xuân Phúc chia sẻ.

Xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 7 năm 2020 đạt 0,947 triệu tấn, tương đương gần 115, 5 triệu USD về kim ngạch, tăng 38% về lượng và 30% về giá trị so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 7 triệu tấn dăm, đạt 923,01 triệu USD về kim ngạch.

Ba thị trường tiêu thụ dăm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kim ngạch và lượng xuất khẩu từ 3 thị trường này chiếm trên 90% trong tổng lượng và giá trị xuất khẩu gỗ dăm của cả Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn