MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lục Tùng

Nghiên cứu phát triển “kinh tế đêm” để giữ chân du khách

Lục Tùng thực hiện LDO | 20/04/2021 11:00
“Hà Tiên đã, đang phấn đấu trở thành thành phố văn hóa - du lịch và sinh thái” - ông Lê Quốc Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên, đã dành cho Báo Lao Động phỏng vấn.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên (KKTCKHT) rộng 1.600ha, nhưng vì sao Hà Tiên vẫn đề xuất mở rộng thêm, thưa ông?

- Ngày 5.8.2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập KKTCKHT, tỉnh Kiên Giang tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg và UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố Quyết định vào ngày 2.4.2021.

Theo đó, KKTCKHT có diện tích 1.600ha, gồm 05 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Nhằm đảm bảo đủ điều kiện, động lực, đủ quỹ đất để phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, mạnh hơn nữa cho thành phố để phấn đấu trở thành thành phố văn hoá - du lịch và sinh thái, xanh, sạch đẹp với cửa khẩu hiện đại, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và quốc tế; là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng ĐBSCL, Hà Tiên, Kiên Giang sẽ trình Chính phủ tiếp tục xem xét cho mở rộng thêm...

Cụ thể, việc mở rộng KKTCKHT sẽ như thế nào?

- Đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng ranh giới KKTCKHT trên toàn bộ diện tích của thành phố khoảng 10.049ha, gồm 7 đơn vị: 5 phường và 2 xã và hệ thống đảo nhân tạo.

Thưa ông, vì sao phải làm thêm đảo nhân tạo, trong khi Hà Tiên sở hữu rất nhiều đảo tự nhiên?

- Hà Tiên có địa hình đa dạng với đồng bằng, đồi núi, biển, hải đảo. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển kinh tế, nhất là Thương mại - Dịch vụ - Du lịch. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới, ngoài việc dựa vào các yếu tố tự nhiên sẵn có, Hà Tiên định hướng sẽ phát triển thêm hệ thống đảo nhân tạo nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, khai thác môi trường biển, sinh thái biển, tạo lợi thế đặc biệt, điểm nhấn độc đáo về hình ảnh “Không gian đô thị biển Hà Tiên”, tạo lập không gian biển đậm đà bản sắc để thu hút khách tham quan du lịch, các nhà đầu tư du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra việc đầu tư các đảo nhân tạo sẽ giúp kết nối gần hơn với TP.Phú Quốc để tương tác thuận lợi hơn; giúp kết nối đất liền Hà Tiên với các đảo thuộc xã Tiên Hải... Đồng thời góp phần mở rộng thêm diện tích cho Hà Tiên đạt được mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị loại 2 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII. Khi các đảo nhân tạo được hình thành hứa hẹn sẽ tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ, không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà có thể cả doanh nghiệp nước ngoài, tạo nên bức tranh mới cho sự phát triển đột phá của Hà Tiên.

Xây dựng đảo nhân tạo, bên cạnh lợi ích kinh tế, vẫn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, đảo...?

- Trong quá trình thực hiện phát triển đảo nhân tạo, Hà Tiên sẽ thực hiện đúng, đủ đánh giá tác động môi trường, lấy đầy đủ ý kiến phản biện của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực có liên quan… Do đó, việc đầu tư hệ thống đảo nhân tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu kép: Vừa tạo động lực phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường biển, sinh thái biển, không phá vỡ cảnh quan chung...

Thậm chí, còn góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái thông qua việc hình thành các khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, hạn chế mức thấp nhất các hoạt động xâm hại đến môi trường tự nhiên; tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong việc kiểm soát, tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hà Tiên được suy tôn rất nhiều danh xưng đẹp như: “Một cõi biên thùy, một cõi thơ”, hay “vùng Đất Phật - người hiền”, nhưng những năm qua, du khách đến Hà Tiên chưa nhiều, chưa lưu trú lại lâu... Vì sao và giải pháp gì để rút ngắn bất cập này?

TP.Hà Tiên là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là cửa ngõ giao thương với nhiều nước, có 9 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận. Trong đó có những danh thắng đã đi vào thi ca, ngự lại trong lòng người dân cả nước với “Mười cảnh đẹp Hà Tiên”...

Bên cạnh đó, Hà Tiên luôn quan tâm đầu tư phát triển về hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, hoạt động phát triển du lịch của Hà Tiên chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hạ tầng du lịch đồng bộ, cơ sở vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch; chưa có các sản phẩm du lịch hấp dẫn và các sản phẩm du lịch về đêm thu hút, giữ chân khách du lịch.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tới đây Hà Tiên sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển: Đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch hiện hữu và nâng chất lượng hoạt động để phù hợp với yêu cầu phát triển mới, nhu cầu của khách du lịch, nhất là các danh thắng trong “Mười cảnh đẹp Hà Tiên”: Mũi Nai, Thạch Động, Đá Dựng và hệ thống chùa chiền, công trình tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời... Siết chặt quản lý trật tự mua bán, vệ sinh môi trường.

Đồng thời đầu tư, khai thác có hiệu quả 2 khu du lịch nhiều tiềm năng là Đầm Đông Hồ và quần đảo Hải Tặc với những câu chuyện liên quan đến nhóm Cánh Buồm Đen - chuyên cướp của người giàu lo cho người nghèo... Thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các giải pháp nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia phát triển du lịch hình thành và phát triển văn hóa du lịch đặc trưng để tạo ấn tượng đẹp với du khách. Đặc biệt là nghiên cứu phát triển ngành “Kinh tế đêm” để giữ chân du khách.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn