MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chuỗi chuyên bán thức uống khởi nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Thế Lâm.

Ngộ nhận về khởi nghiệp, 95% freelancers không thể trở thành entrepreneurs

Thế Lâm LDO | 14/07/2020 15:05

Nữ doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le, cùng với chồng là Sonny Vu từng được gọi là “cặp đôi vàng người gốc Việt tại thung lũng Silicon”) đã có bài viết trên trang cá nhân đề cập đến hai khái niệm công việc là “freelancer” (người làm tự do) và "entrepreneur" (người khởi nghiệp). Sự ngộ nhận về hai công việc này khiến nhiều freelancers  không thể tiến xa.

Ngộ nhận công việc làm tự do là khởi nghiệp

Lê Diệp Kiều Trang cùng Sonny Vu từng nằm trong ban lãnh đạo khởi nghiệp tại công ty Misfit chuyên nghiên cứu, sản xuất dây đeo thông minh theo dõi sức khỏe tại thung lũng Silicon (California, Mỹ). Misfit sau đó được công ty thời trang Fossil mua lại với giá 260 triệu USD.

Một câu hỏi được nữ doanh nhân này đặt ra là tại sao nhiều bạn trẻ Việt với xuất phát điểm có nhiều ưu thế như chuyên môn giỏi, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thị trường, nhưng lại không thể đi xa?

Và một trong những nguyên nhân quan trọng được chị đưa ra, cũng chính là câu trả lời, đó là nhiều bạn trẻ tại Việt Nam đang ngộ nhận giữa hai khái niệm công việc, cứ nghĩ công việc mình đang làm tự do là khởi nghiệp.

“Có một nhóm các bạn kỹ sư lập trình, chuyên viên thiết kế, hoặc thậm chí các bạn digital marketers (người làm tiếp thị trực tuyến-PV) khá xuất sắc, sau khi đi làm khoảng 3-5 năm, các bạn có khả năng làm dự án cho khách hàng từ đầu đến cuối, đã mạnh dạn kết nối với một số khách hàng và “đánh lẻ dự án”. Sau một thời gian có nhiều dự án, các bạn mạnh dạn bỏ việc, và làm một mình, hoặc lập một nhóm vài người để trở thành các nhà cung cấp dịch vụ (service providers).

Nhiều bạn hào hứng chia sẻ với mình các bạn đang khởi nghiệp. Mình mừng cho các bạn có thể kiếm sống tốt trên chuyên môn của mình, nhưng rất hoang mang, không biết các bạn có biết con đường các bạn đang đi là freelancers, mà 95% sẽ không rẽ sang con đường khởi nghiệp”, Lê Diệp Kiều Trang cho biết.

Khởi nghiệp cần những gì?

Theo nữ doanh nhân đã khởi nghiệp thành công này, khởi nghiệp cần có sự đầu tư nghiêm túc về chuyên môn, cần sự kiên nhẫn để tạo cho mình một nền tảng vững chắc, một tầm nhìn rộng và sâu sắc để có thể đi xa hơn trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Nữ doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng là Sonny Vu từng khởi nghiệp thành công tại Thung lũng Silicon (California, Mỹ). Ảnh: Tuấn Trương.

Với các bạn trẻ kỹ sư lập trình, làm những sản phẩm đơn giản, nếu càng đắt hàng càng bận rộn thì càng mất nhiều thời gian, vô hình trung không còn thời gian đầu tư nghiêm túc vào năng lực công nghệ của mình, trong đó có công nghệ lõi. Trong khi đó, thế giới công nghệ bên ngoài tiến nhanh không ngừng. Một ngày nào đó, để có thể khởi nghiệp một công ty công nghệ tương đối, kỹ năng của các bạn trẻ không đủ, có thể đã lỗi thời…

Nữ doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, khởi nghiệp cũng đòi hỏi một người lãnh đạo. Những người khởi nghiệp dù là kỹ sư hay dân kinh doanh, họ đều có điểm chung là khả năng tập hợp đội ngũ, giải quyết bất đồng, và định hướng cả công ty hào hứng đi theo một mục tiêu.

“Kinh nghiệm này thật sự không có được nếu các bạn không trưởng thành từ một tập thể. Cho dù quá trình đó có nhiều mỏi mệt, nhiều khi là cay đắng, mình thành thật khuyên các bạn hãy kiên nhẫn chấp nhận để trưởng thành”, nữ doanh nhân đưa ra lời khuyên.

Theo Lê Diệp Kiều Trang, một người làm công việc tự do giỏi có khả năng “cân” hết mọi thứ, nhưng nếu chưa trưởng thành qua công việc tập thể, sẽ rất lúng túng khi phải chia việc cho các kỹ sư khác, kiểm tra, đốc thúc…

Và trên hết, khởi nghiệp còn cần một tầm nhìn định hướng rõ ràng, phải định hình được khởi nghiệp để giải quyết vấn đề gì (clear vision). Một khi các freelancers chưa thể xác định được muốn giải quyết vấn đề gì, tại sao xã hội/ thị trường cần nó, cách giải bài toán đó như thế nào với sản phẩm của mình, chừng đó vẫn chưa bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn