MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngư dân lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến ra khơi câu mực xà

VIÊN NGUYỄN LDO | 14/05/2023 17:10

Quảng Ngãi - Sau mỗi chuyến ra khơi câu mực xà, kéo dài từ 2-3 tháng, nhiều ngư dân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Xã Bình Chánh là địa phương nổi tiếng cả nước với nghề câu mực xà ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Toàn xã có 131 tàu công suất lớn, chủ yếu hành nghề câu mực xà, với sản lượng bình quân mỗi năm 4.000 tấn mực xà khô. Với nghề câu mực khơi, mỗi tàu có khoảng từ 30-45 ngư dân. Khi ra đến khơi xa, cứ đến chiều tối là mỗi ngư dân được trang bị một chiếc thúng, lênh đênh mấy chục hải lý với đồ câu, mồi câu rồi đến rạng sáng sớm hôm sau, tàu mới bắt đầu chạy quanh một lượt đưa các ngư dân câu mực dưới thúng lên tàu lớn.

Tàu câu mực xà của ngư dân xã Bình Chánh. Ảnh: Ngọc Viên

Những ngày này, hàng trăm ngư dân ở xã Bình Chánh tấp nập cho tàu về cửa biển Sa Cần, để bán chuyến mực đầu tiên trong năm 2023. Giá mực xà tăng cao, khiến ngư dân vui như Tết.

Ông Nguyễn Tự ở xã Bình Chánh bộc bạch: Tàu có 21 thuyền viên, chuyến biển này kéo dài khoảng 90 ngày, đánh bắt được 20 tấn mực xà khô, với giá 174.000 đồng/kg mực xà khô, tàu đạt doanh thu khoảng 3 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên cũng có thu nhập từ 70- 120 triệu đồng.

Ngoài tàu của ông Tự, các tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh cũng đang lần lượt trở về bờ sau thời gian dài khai thác trên biển. Chuyến khai thác đầu năm sản lượng cao, giá bán từ 170.000 đồng - 180.000 đồng/kg mực xà khô khiến ngư dân rất phấn khởi.

Ngư dân đưa mực xà khô lên bờ để bán cho thương lái. Ảnh: Ngọc Viên

Ngư dân Nguyễn Thanh Tiên, xã Bình Chánh thổ lộ: "Chuyến biển kéo dài 3 tháng, tôi câu hơn 1 tấn mực, trừ chi phí cho chủ tàu, tôi thu được trên 100 triệu đồng. Năm nay mực được giá nên ngư dân rất phấn khởi, chứ mọi năm giá mực rất thấp…"

Theo các ngư dân ở xã Bình Chánh, nghề câu mực xà ở xã xuất hiện từ năm 1990, ngư dân câu mực xà thường hành nghề cách bờ hơn 150 hải lý. Khai thác mực xà là nghề truyền thống của ngư dân huyện Bình Sơn, tập trung nhiều nhất ở xã Bình Chánh. Mỗi năm ngư dân ra khơi khoảng được 3 chuyến biển, thời gian đánh bắt kéo dài, công việc nặng nhọc, thiếu rau xanh... lại thâu đêm lênh đênh trên những chiếc thúng tròng trành giữa đại dương nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi vậy đã có nhiều ngư dân tử nạn.

Nhiều tàu của ngư dân xã Bình Chánh trúng đậm mực xà, giá bán lại tăng cao, nên ngư dân rất phấn khởi. Ảnh: Ngọc Viên

Ông Nguyễn Tiến Pháo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho hay, mực xà sau khi khai thác được đưa về các thu mua ở xã để sơ chế, xuất bán. Từ các kho này, mực xà của ngư dân xã Bình Chánh được đưa đi tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan…

Hiện nay, các kho thu mua của địa phương đều ứng dụng công nghệ trữ đông, sản phẩm mực khô giữ được lâu, không bị hư hỏng, mốc. Đợt này có nguồn thu mua và giá ổn định, nên ngư dân có lợi nhuận cao.

Mực xà khô ở các cơ sở chế biến tại xã Bình Chánh. Sau khi được sơ chế, mực xà khô chủ yếu được xuất đi Trung Quốc, Thái Lan... Ảnh: Ngọc Viên

Để nâng cao giá trị cho mực xà, năm 2020, Quảng Ngãi đầu tư thực hiện dự án: “Thực nghiệm mô hình chế biến mực xà tại huyện Bình Sơn”. Đặc biệt, dự án đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và chế biến thực phẩm có giá trị gia tăng từ mực xà với các sản phẩm như: Chà bông mực, chả mực quế, xúc xích mực, mực nhồi quế, nước mắm nguyên chất mực từ phụ phẩm mực xà, mực xé tẩm (sản phẩm phụ từ quá trình chế biến chà bông mực)… Qua đó, xây dựng mới quy trình xử lý nguyên liệu và chế biến mực xà, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo cơ hội cho mực xà Quảng Ngãi mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn