MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân Đắk Nông "khát" công nghệ chế biến sâu nông sản

Phan Tuấn LDO | 04/12/2022 16:09
Đắk Nông là tỉnh có vùng nguyên liệu rộng lớn về các cây như: Cà phê, ca cao, mắc ca, điều, lúa, khoai lang... Thế nhưng, hiện nay, vẫn còn rất nhiều người dân, doanh nghiệp nơi đây đang "khát" công nghệ chế biến sâu nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. 
Một số nông dân ở Đắk Nông tự đầu tư máy móc để nghiên cứu, chế biến cà phê bột. Ảnh: Phan Tuấn

Doanh nghiệp "khát" công nghệ

Hiện nay, đối với nhưng sản phẩm như: Ca cao, cà phê, mắc ca, hồ tiêu... sau khi được chế biến sâu thì có giá bán cao gấp 4-5 lần so với giá bán thô. Tuy nhiên, thực tế ở Đắk Nông cho thấy vẫn có rất nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn bán cái mình có chứ chưa bán được cái thị trường cần. 

Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh, ở huyện Krông Nô hiện đang liên kết với 304 hộ dân sản xuất trên 400ha lúa. Sản lượng lúa hàng năm của Hợp tác xã ước đạt trên 7.200 tấn.

Hiện nay, hợp tác xã đang phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP và xây dựng được nhà máy chế biến có công suất đạt khoảng 70 tấn/năm. Lúa gạo của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Chóah sau khi chế biến không chỉ có giá bán cao hơn so với việc xuất bán thô mà còn tạo dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng. 

Như vậy, hiện nay, vẫn còn khoảng 90% sản lượng lúa của Hợp tác xã nông nghiệp vẫn đang phải xuất thô ra thị trường. Cái thiếu hiện nay của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Chóah là ở công nghệ, nhà kho bảo quản, nhà máy phơi sấy... 

"Để nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu lúa gạo, hợp tác xã mong muốn nhận được sự hỗ trợ đầu tư nâng cấp công nghệ thu hoạch, bảo quản lúa sau thu hoạch từ phía các cơ quan chức năng" - ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh cho hay.

Tương tự, Công ty Cổ phần Godere, ở thành phố Gia Nghĩa, đã xây dựng cho đơn vị sản phẩm cà phê riêng. Hiện nay, công ty đang phát triển được vùng trồng cà phê gần 30ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu.

Sản lượng cà phê nhân xô hàng năm của Công ty ước đạt khoảng 70 tấn. Công suất chế biến nhà máy của Công ty đạt 500 tấn/năm. Công ty đang kỳ vọng sẽ xuất khẩu cà phê sau chế biến sang các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, về phía công ty vẫn đang gặp phải những rào cản nhất định. 

Theo bà Trần Thị Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Godere, hiện nay, đơn vị đã có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ. Thế nhưng, nhưng khi giao thương với các đối tác nước ngoài, đơn vị vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết về sản phẩm, sản lượng.

"Công ty vẫn luôn mong muốn được hợp tác với các đơn vị có chuyên môn để xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, Công ty muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, phân phối sản phẩm" - bà Tiên cho hay.

Hợp tác phát triển

Trước thực tế này, ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho hay, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Mục đích của việc này là xây dựng hệ thống sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.

Trong đó, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong trồng trọt, thu hoạch, chế biến sản phẩm. Qua đó, từng bước đa dạng sản phẩm, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.

Theo ông Trần Quốc Tâm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), Đắk Nông là tỉnh rất giàu nguồn nông sản có chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm của tỉnh vẫn bán thô là chủ yếu, nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp Thủ Đức có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Nông. Từ đó, giúp giảm lao động thủ công, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng công suất chế biến và chất lượng cho doanh nghiệp Đắk Nông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn