MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh chợ dân sinh sụt giảm lượng khách, dù hàng hóa dồi dào (chụp sáng 28.2). Ảnh: Kh.V

Người dân hạn chế "la cà" tại chợ để đề phòng lây nhiễm COVID-19

Khánh Vũ LDO | 28/02/2020 18:25

Trước tình hình dịch bệnh do COVID-19 diễn biến phức tạp, ghi nhận cho thấy sức mua hàng hóa giảm do người dân hạn chế tụ tập, giao lưu nơi đông người như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…

Chợ dân sinh truyền thống giảm khách

Qua theo dõi, một số “khảo sát mini” của tại các chợ dân sinh cho thấy, lượng hàng hóa của các tiểu thương bán ra đều giảm khoảng 30-40% so với trước đây, cá biệt có mặt hàng giảm tới 50% thịt gia cầm do ảnh hưởng của 2 dịch bệnh kép COVID-19 và cúm gia cầm H5N6.

“Trước đây, khi chưa có dịch mỗi ngày tôi bán ra khoảng 1 con lợn, nhưng nay chỉ bán được 1/2 con do khách hàng giảm. Không riêng gì thịt lợn, mà số lượng tất cả mặt hàng khác bán kèm như rau, đậu, gia cầm… đều giảm tới 30%” – chị Trần Thị Hồng - kinh doanh thực phẩm tại quận Cầu Giấy chia sẻ.

Cảnh vắng khách tại một chợ dân sinh. Ảnh: Kh.V

Chị Nguyễn Thị Phấn -  kinh doanh thực phẩm tại chợ dân sinh mặt sau phố Trần Vỹ (Hà Nội) cũng cho biết, dù giảm đến gần 1/2 lượng hàng nhập vào hàng ngày, nhưng nhiều hôm chị vẫn bị ế. “Hôm nay (28.2), tôi nhập vào nửa con lợn, nhưng đến tận trưa vẫn còn gần 1/2. Dịch bệnh do COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên nghỉ học để tránh dịch bệnh nên lượng hàng bán ra rất chậm” – chị Phấn nói.

Chị Phấn cho biết, lượng hàng bán ra của chị giảm tới 30-40% do lượng khách hàng giảm bởi học sinh, sinh viên đang nghỉ học tránh dịch COVID-19 . Ảnh: Kh.V

Tại một số chợ khác như Trần Quốc Hoàn, Quan Hoa, Bưởi, Nguyễn Khang, Trung Kính…, Thái Hà, Quỳnh Mai…, lượng khách cũng có xu hướng giảm.

“Ngày thường lượng khách giảm tới 20-30%, thứ bảy và chủ nhật lượng khách có tăng hơn nhưng nhìn chung khách hàng đều ngại virus COVID-19, khi đến chợ đều nhanh chóng mua hàng rồi về, đặc biệt, không còn cảnh mấy cụ hưu đi chợ để gặp gỡ, trao đổi, giao lưu như trước” - chị Nguyễn Thị Lan, kinh doanh rau xanh tại chợ Cửa Đông (Vinh, Nghệ An), cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tình – tiểu thương tại khu văn công Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ việc lượng khách hàng của mình giảm tới 30% do ảnh hưởng của COVID-19.

“Đi chợ 1 tiếng, mua đủ cho cả tuần”

Đó là xu hướng mua sắm của người tiêu dùng hiện nay khi dịch viêm phổi cấp do COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Chị Lê Kim Liên – khu đô thị Linh Đàm, Phương Mai (Hà Nội) cho biết: Con cái du học xa, nhà chỉ có 2 vợ chồng nhưng mỗi lần đi siêu thị chị cũng mua lượng thực phẩm đủ ăn cho cả tuần. 

Chị Lê Kim Liên cho biết, mỗi tuần chị chỉ đi siêu thị 1 lần để hạn chế phải đến công cộng. Ảnh: Kh.V

"Nhìn chung, việc khống chế COVID-19 ngành y tế của ta làm khá tốt, nhưng để góp phần nhỏ bé của mình vào việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này, tôi chọn cách hạn chế giao lưu, tụ tập tại khu vực đông người, vừa để bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ người khác”- chị Lê Kim Liên chia sẻ.

Chị Dương Thùy Dung (tổ 83 Lý Thường Kiệt, Vinh, Nghệ An) cũng chia sẻ: Từ sau Tết đến nay gia đình chị chọn cách mua thực phẩm trong siêu thị. “Dù sao siêu thị cũng được lau sàn, tẩy rửa các kệ hàng hàng ngày, an toàn sạch sẽ hơn tại các chợ truyền thống. Hơn nữa, hàng hóa trong siêu thị lại tập trung, cùng 1 địa điểm, nhưng có thể mua đủ các mặt hàng cần thiết, hạn chế sự giao lưu rộng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật”- chị Dung chia sẻ.

Nhiều khách hàng cũng chọn giải pháp mua hàng qua điện thoại hoặc qua mạng Internet, nên dù lượng khách có giảm tới 30%-50%, nhưng lượng hàng bán ra chỉ giảm nhẹ. Theo chị Nguyễn Thị Tình, “cũng may lượng khách hàng giảm tới 30% nhưng lượng hàng bán ra vẫn duy trì khá, chỉ giảm khoảng 5-10% vì nhiều khách vẫn đặt mua qua điện thoại và yêu cầu chuyển đến tận nhà “- chị Tình cho hay.

Người tiêu dùng mua lượng hàng đủ dùng cả tuần sau mỗi lần mua sắm. Ảnh: Kh.V

Nhiều facebooker chuyên bán hàng qua mạng cũng cho biết: Họ vừa bán hàng qua mạng vừa bán tại cửa hàng, từ khi có dịch COVID-19, lượng hàng bán qua mạng có xu hướng tăng thêm từ 20-30%; lượng khách hàng giảm đi, nhưng số lượng hàng hóa của mỗi khách hàng đều tăng thêm vì khách hàng có xu hướng mua nhiều hàng để giảm số lần đi mua sắm.

"Từ sau Tết, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, lượng hải sản bán qua mạng của tôi tăng đến 30%"-chị Lê Quỳnh Liên (trú tại Thanh Trì, Hà Nội), chuyên kinh doanh hải sản từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn