MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Người dân ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng

THU THẢO LDO | 30/01/2023 11:09

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, đến cuối tháng 11.2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 13,8 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 21% so với tháng 10.

Các số liệu cho thấy mức tăng chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư. Cụ thể, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng gần 84.600 tỉ đồng so với tháng trước lên hơn 5,74 triệu tỉ đồng. Trước đó vào tháng 10, tiền gửi của nhóm dân cư cũng đã tăng hơn 21.500 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng 0,73% so với tháng trước, tương ứng 42.341 tỉ đồng lên 5,8 triệu tỉ đồng.

Các ý kiến quan sát nhận định, nguyên nhân khiến người dân tăng tiền gửi ngân hàng là mức lãi suất huy động vẫn ở mức cao. Vào thời điểm tháng 11.2022, lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp các tổ chức tín dụng bàn về lãi suất và giải pháp hỗ trợ thanh khoản. Hiệp hội cũng đã có công văn báo cáo Thống đốc NHNN kết quả cuộc họp, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Đến hiện tại, ngày 29.1 theo ghi nhận của PV Lao Động, sóng ngầm đua lãi suất giữa các ngân hàng vẫn tiếp tục nóng. Mức lãi suất niêm yết công khai trên website cao nhất thị trường hiện là 9,95%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên tại SCB.

Theo nhận định của Chứng khoán VCBS, lãi suất huy động dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%. Diễn biến này chịu tác động bởi quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Và sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, NHNN đã khẳng định ưu tiên cao nhất là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Còn theo Công ty CP chứng khoán SSI, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10.2022 lên khoảng 9 - 10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14 - 15% đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm.

Phía SSI dự báo, mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023. Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỉ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi về trái phiếu, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, SSI cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc, lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023.

BOX: Trong khi đó theo báo cáo cuối tuần qua của NHNN, trong tháng 12.2022, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,3- 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6,2-7,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,0-7,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9- 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn