MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân huyện Hòn Đất đã phát huy hiệu quả kinh tế dưới những cánh rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: PV

Người dân sống nhàn với mô hình 7/3 dưới tán rừng phòng hộ

NGUYÊN ANH LDO | 13/03/2022 15:00
Kiên Giang - 70% diện tích đất giao khoán phải trồng rừng, 30% còn lại được phép sử dụng nuôi trồng thủy sản từ đó đã giải quyết việc làm tại chỗ cho các hộ nhận khoán, mang lại nguồn lợi kinh tế cao và bảo vệ tốt hơn những cánh rừng phòng hộ ven biển.

Giải quyết hài hòa lợi ích  

Để giữ rừng, đồng thời giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, UBND tỉnh Kiên Giang cho phép các chủ rừng được sử dụng 30% diện tích đất nhận khoán chưa có rừng để kết hợp nuôi trồng thủy sản và hoa màu. Đồng thời, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng tích cực hỗ trợ cả về vốn và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng nhằm giúp cho các chủ rừng tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Cộng - người dân ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh - tâm sự: “Trước khi nhận đất rừng, các chủ rừng đều mưu sinh chủ yếu từ nguồn thủy hải sản tự nhiên, nhưng tôm cá rồi cũng giảm dần, đời sống các chủ rừng ngày khó khăn nên cây rừng cũng bị tàn phá. Nhờ mô hình 7/3 mà đời sống bà con mình đã khấm khá hơn rất nhiều”.

Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, đặc biệt mô hình nuôi hải sản dưới tán rừng phòng hộ và nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở các xã vùng ven biển.

Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ được huyện Hòn Đất quan tâm, chú trọng. Ảnh: PV

Ông Huỳnh Thanh Hà - Chủ tịch UBND Xã Lình Huỳnh - cho biết: “Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân ở đây nhiều hơn mà ai cũng có mức thu nhập ổn định trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng phòng hộ ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu là một hướng đi đúng đắn, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven biển của huyện Hòn Đất”.

Vượt khó nhờ rừng

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản của huyện Hòn Đất bắt đầu phát triển mạnh tại các xã ven biển như Bình Giang, Bình Sơn, Lình Huỳnh, Thổ Sơn, Sơn Bình... Các mô hình nuôi ngày càng phong phú, đa dạng kể cả nuôi thủy sản nước lợ và nước ngọt như: Nuôi tôm cua kết hợp, nuôi sò dưới tán rừng phòng hộ, nuôi ba khía, tôm công nghiệp và bán công nghiệp theo hướng hiện đại…

Ông Lâm Thành Hòa - Giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng phòng hộ xã Lình Huỳnh - nói: “Tùy theo điều kiện tự nhiên của từng nơi, mỗi xã có những mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế biển phù hợp giúp người dân vùng ven biển. Mọi người đã tận dụng tốt nguồn lợi từ rừng, từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn”.

Nhờ nuôi trồng những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao mà đời sống người dân cải thiện đáng kể. Ảnh: PV

Anh Trần Duy Khanh (ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh) cho hay, những năm đầu khi mới về đây nhận đất giao khoán, kinh tế còn khó khăn nhiều, việc nuôi trồng dưới tán rừng chưa thực sự phát huy hiệu quả.

“5 năm trở lại đây, gia đình tôi nhận giao khoán 5ha rồi cải tạo, nuôi trồng những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cá bóng mú, phân khu vực nuôi tôm, cua theo hình thức cải tiến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao” - anh Khanh chia sẻ.

Mở rộng quy mô

Huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích tự nhiên lớn của tỉnh với 103.900ha, chiều dài bờ biển gần 50km, ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản rộng lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện Hòn Đất đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Những năm qua, dưới những cánh rừng phòng hộ ven biển của huyện, người dân nhận giao khoán đất rừng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng, tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có để triển khai các mô hình nuôi thủy sản. Không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân các xã vùng ven biển.

Thời gian tới, huyện Hòn Đất sẽ tăng cường bảo vệ tái sinh phục hồi nguồn lợi thủy sản gần bờ, ngăn chặn giảm thiểu và chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, xử lý nghiêm các hành vi khai thác mang tính tận diệt, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị. Huyện cũng có hướng đẩy mạnh các mô hình nuôi cá trên biển, nuôi nghêu, sò, hến ở bãi bồi, nuôi cá nước ngọt, lợ vùng ven biển. Mở rộng quy mô hiệu quả nuôi trồng các loài thủy sản khác dưới tán rừng phòng hộ ven biển, các loài có giá trị kinh tế cao, góp phần giữ rừng và cải thiện sinh kế của người dân vùng ven biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn