MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi ở vùng cao Hoà Bình gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Khánh Linh

Người dân vùng cao lao đao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng

Khánh Linh LDO | 25/04/2022 18:29

Hoà  Bình - Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá sản phẩm bán ra lại giảm khiến người chăn nuôi tại vùng cao Hoà Bình "thiệt đơn, thiệt kép". 

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao

Những ngày cuối tháng 4.2022, ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, theo ghi nhận của PV, bảng giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục được điều chỉnh từ đầu năm đến nay. 

Bà Bùi Thị Thu - chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Bo cho biết: “Giá cám tăng cao đã khiến sức mua của bà con giảm hẳn. Không chỉ người chăn nuôi mà cả những đại lý cũng chật vật".

Theo bà Thu, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10.2021 đến tháng 4.2022, thức ăn chăn nuôi đã 10 lần tăng giá. Cho đến nay, nhiều sản phẩm đã chênh lệch so với thời điểm cuối năm ngoái đến 80 nghìn đồng/1 bao (25kg). 

“Ví dụ như loại cám ECO FEED 551 - Thức ăn hỗn hợp cao cấp dùng cho heo siêu nạc từ 7 kg đến 15 kg trước đây có giá 430 nghìn đồng/1 bao, hiện giờ đã lên 510 nghìn đồng/1 bao và đơn vị cung cấp thông báo giá vẫn còn tiếp tục tăng” - bà Thu cho biết thêm. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi, từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng trung bình khoảng 20%. 

Theo tìm hiểu của PV, thức ăn đậm đặc cho lợn có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 13.000-20.000 đồng/kg; thức ăn đậm đặc cho gà có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 12.400-15.500 đồng/kg…

Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Do đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, đặc biệt đối với người dân khu vực miền núi, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Người chăn nuôi “thiệt đơn, thiệt kép”

Trang trại của anh Bùi Văn Tỵ ở xóm Ba Lầm, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình hiện chỉ còn 5 con lợn nái và hơn 10 con lợn thịt. Từ quy mô 30-40 con lợn thịt xuất chuồng luân phiên, đến nay anh Tỵ đã co hẹp quy mô chỉ còn một nửa do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. 

“Bỏ hoàn toàn lợn nái thì cũng là nước đi mạo hiểm vì khi giá tăng trở lại sẽ không có lợn con để bán, mà nuôi duy trì thì phải xác định rằng sẽ lỗ bởi giá lợn con giờ chỉ còn 700-800 nghìn đồng/1 con” - anh Tỵ cho biết. 

Theo nhiều người chăn nuôi tại đây, giá lợn hơi thương phẩm thời điểm này cũng xuống chỉ còn 50-55 nghìn đồng/1kg, càng nuôi nhiều và cho ăn cám thuần càng lỗ. 

Là chủ một trang trại gà trên 1.000 con tại thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, anh Bùi Văn Vương cũng đang đắn đo trước quyết định có nên nhập thêm gà để tiếp tục nuôi hay chờ giá cả thị trường thức ăn chăn nuôi ổn định.

Anh Vương cho biết: "Thông thường, vào thời điểm này nhiều hộ chăn nuôi ở đây đã bắt đầu tái đàn, tuy nhiên năm nay do giá cám quá cao nên chưa dám quyết định". 

Theo anh Vương, hiện nay tại thôn Kim Đức có khoảng 60 hộ chăn nuôi quy mô trên 1.000 con, nhưng hầu hết đang bỏ chuồng vì còn nhiều khó khăn.

"Bây giờ có nhà nào nuôi thì cũng chỉ dám nuôi vài trăm con cho đỡ bỏ phí chuồng trại chứ nuôi nhiều chắc chắn lỗ" - chủ trang trại này cho biết thêm.

Để giảm thiểu mức thiệt hại, bà con tại các khu vực miền núi thường tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp và rau có sẵn để làm thức ăn cho lợn, gà. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án trước mắt bởi chăn nuôi bằng thức ăn đơn thuần khiến vật nuôi chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn