MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thanh Thảo-người "khai sinh" cho lá sen thân phận mới. Ảnh: NĐT

Người “khai sinh” cho lá sen thân phận mới

Nguyễn Đắc Thành LDO | 20/02/2018 14:02

Với giấc mơ tạo một mặt hàng lưu niệm bắt mắt, mang đậm chất quê hương, Nguyễn Thanh Thảo đã tìm tòi nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm khá độc đáo, bước đầu đã làm ưng ý người xem. Những chiếc nón lá, tráp, bình hoa... lâu nay khoác trên mình chiếc áo cũ kỹ từ những vật liệu quen thuộc, nay lại được mặc chiếc áo mới từ lá sen, đẹp một cách kỳ lạ. 

“Lá không chỉ tạo nên hồn cho hoa sen...”

“Đứng giữa một hồ sen bạn sẽ thấy được giá trị của hồ sen đó, dĩ nhiên vẻ đẹp không chỉ đến từ những bông hoa mà cả những thứ xung quanh nó. Lá sen không chỉ nuôi cây, nuôi hoa sen, mà nó còn làm nền cho hoa sen nổi bật lên giữa một cánh đồng rộng lớn. Nhưng rồi, khi sen tàn thì để lại đài mà lá thì nhiệm vụ chỉ đến đó. Thấy lá sen cũng đẹp, những đường gân nổi trội nên tôi tìm hiểu để tạo ra một giá trị mới cho lá sen. Và thế là bắt tay vào việc làm nón lá sen”-anh Thảo nói.

 Những mặt hàng lưu niệm làm từ lá sen. Ảnh: NĐT

Sau khi tốt nghiệp Khoa Đồ họa-Trường Đại học Nghệ thuật Huế, anh Nguyễn Thanh Thảo (SN 1988, trú tại phường Hương Sơ, TP. Huế)  cùng nhóm bạn bắt đầu khởi nghiệp với nghệ thuật vẽ tranh bút lửa tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP. Huế). Một thời gian lăn lộn ở phố đi bộ, Thảo nhận thấy ở Huế hầu như chưa có một mặt hàng lưu niệm nào bắt mắt, tạo dấu ấn cho vùng đất này.

Với Thảo, những ngày khách đến Huế mà không cầm trên tay  một mặt hàng lưu niệm nào thì đó là một nỗi buồn đối với anh. Mà dù có đi chăng nữa thì đó cũng là những mặt hàng lưu niệm xuất xứ từ... Trung Quốc. Từ đó Thảo tâm niệm phải làm gì đó cho mặt hàng lưu niệm mang mác made in Việt Nam để phục vụ cho du khách và quảng bá văn hóa Huế. “Huế là Thành phố du lịch cái đó ai cũng biết, nhưng ở Huế lại không tồn tại được một mặt hàng lưu niệm đúng nghĩa. Đó là một khiếm khuyết cho Huế”-Thảo nói giọng nghe buồn buồn.

Từ suy nghĩ đó, Thảo bắt đầu nghiên cứu nhiều loại lá cây, nhằm biến chúng trở thành chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm. Ban đầu, Thảo sử dụng lá cây bồ đề Ấn Độ, vì loại lá này chu vi lớn, đường vân rõ nét có thể làm hoa văn cho đồ thủ công mỹ nghệ. Chọn được vật liệu, Thảo bắt tay vào làm, trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật, những sản phẩm tráp gỗ, bình hoa trang trí bằng lá bồ đề Ấn Độ cũng lần lữa ra đời. Tuy nhiên, món hàng của anh không được khách hàng đón nhận vì dễ rách nát, không sử dụng được lâu.

Thất bại ngay từ lần thử nghiệm đầu tiên, nhưng không dừng lại ở đó, Thảo tiếp tục thử nghiệm với loại lá cây khác. Trong một lần cùng nhóm bạn chèo thuyền hái sen trên hồ Tịnh Tâm, Thảo thấy lá sen dày, dẻo dai, lại là loại cây mang hồn dân tộc, Thảo thầm nghĩ: “Vì sao không thử nghiệm với lá sen để làm nón?”.

Với ý nghĩ đó, Thảo ngày đêm mày mò để làm. Để sử dụng được lá sen phải mất nhiều tháng trời thử nghiệm. Qua các công đoạn ngâm với sút để tẩy rửa tạp chất, sấy khô, ủi lá. Với sự giúp sức của những người thợ làm nón làng Đốc Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế), chiếc nón lá sen mang dáng vẻ hết sức độc đáo ra đời với màu xanh lá tươi sáng, từng đường vân lá sen hiện lên rõ nét, mỗi chiếc nón là một sản phẩm riêng biệt, không có cái nào giống nhau nhờ đường vân của lá.

Để có vẻ đẹp của nón là nhờ loại sơn phủ đặc biệt, Thảo đã mất nhiều thời gian để tạo ra loại sơn vừa giữ được sắc xanh nguyên bản của lá sen, vừa tạo độ bền khi nón tiếp xúc với mưa nắng. Ngay ngày đầu ra mắt tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, những chiếc nón lá sen của anh Thảo đã được rất nhiều du khách đến Huế yêu thích, trở thành món hàng lưu niệm độc đáo ai cũng muốn mua về.

Anh Trần Quốc Nghi (TP Hải Phòng) cho biết: “Những đường vân nổi và màu sắc tươi sáng của chiếc nón làm tôi rất ấn tượng, thật sự đẹp và độc đáo. Thấy nón lá nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một chiếc nón lá được làm từ lá sen. Rất bắt mắt và khác lạ. Tôi đã mua 5 cái về tặng vợ và con gái”.

Hồn sen Việt bước ra Thế giới

Không dừng lại ở chiếc nón lá sen, bàn tay khéo léo của Thảo tiếp tục mày mò để chế tác ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ từ lá sen. Đó là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen.

Anh Thảo cho biết, những mặt hàng của anh được rất nhiều du khách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng, một số chủ doanh nghiệp ở Thái Nguyên còn đặt anh làm ra hộp đựng trà trang trí lá sen để cung cấp dịp tết. Thông qua bạn bè giới thiệu, một doanh nghiệp ở Thái Lan đã liên hệ với Thảo, đề nghị cung cấp sản phẩm từ lá sen sang bán cho người Thái. Lô hàng đầu tiên là 45 chiếc nón lá sen cùng nhiều bình hoa, tranh lá sen đã giúp Thảo mở đường bước đi đầu tiên để sản phẩm của mình đến với Thế giới.

 Chiếc nón lâu nay mặc trên mình chiếc áo cũ kỹ từ cây lá nón, nay được khoác lên chất liệu mới rất bắt mắt và đẹp. Ảnh: NĐT

Chỉ sau 4 tháng khởi nghiệp với sản phẩm từ lá sen, Thảo đã bắt tay vào xây dựng một xưởng chế tác rộng 100 mét vuông để mở rộng sản xuất. Quan niệm về cây sen trong nghệ thuật, Thảo nói: “Sen là loại cây quen thuộc với mỗi người dân Việt từ lâu, cây sen đã đi vào thi ca và tranh vẽ, hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Vì vậy, mình mong muốn đưa hoa sen vào sản phẩm hàng lưu niệm. Đó là một cách quảng bá Việt Nam với du khách quốc tế”.

Mới đây, trong ngày hội giao lưu văn hóa Việt-Hàn được tổ chức tại thành phố Huế, những sản phẩm từ lá sen của anh Thảo đã gây được ấn tượng mạnh với người Hàn quốc, một doanh nhân người Hàn đã kí hợp đồng lâu dài với anh để mang nón lá sen Việt sang xứ Hàn quảng bá.

Có chứng kiến cách Thảo tỉ mỉ chỉnh sửa, chăm chút từng chi tiết, mới thấy được hết đam mê của anh với sen. Vì thế, những bình hoa, tráp đựng phải mất nhiều ngày hay một bức tranh lá sen phải mất cả tuần để hoàn thiện. Theo anh Thảo, quan niệm kinh doanh của anh không phải là nhiều, mà là chất. Không chấp nhận những món hàng lưu niệm đến tay khách hàng mang chất lượng thấp,

Thảo tâm niệm: “Có thể không làm ra được nhiều, nhưng điều quan trọng hơn hết là mỗi sản phẩm đến tay khách hàng cần phải được nâng niu. Một mặt hàng phải có chỗ đứng tốt mới tính tiếp đến chuyện làm ra mặt hàng khác, mình không thể làm tràn lan đại hải được, như vậy rất dễ xảy ra sai sót và không có dấu ấn cho hàng của mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn