MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Cao Thị Cẩm Nhung (thứ 2 từ trái sang) tham quan vùng mít nguyên liệu tại thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người khiến mít non có vị thịt động vật, hướng đến thị trường triệu đô

PHƯƠNG ANH LDO | 10/07/2024 15:15

Quả mít non qua bàn tay khéo léo của chị Cao Thị Cẩm Nhung ở thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã biến thành nhiều loại đồ ăn có vị thịt, giúp nâng cao giá trị loại quả này.

Chia sẻ cơ duyên về con đường đưa quả mít thành đồ ăn giống thịt động vật, chị Nhung cho biết ở địa phương chị (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) trồng nhiều mít Thái. Loại trái này từng giúp rất nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên vào những năm 2019-2020 do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, xuất khẩu khiến giá mít Thái ở Hậu Giang giảm 7 - 10 lần nhưng vẫn rất khó bán.

Nhìn mít trái đầy cây nhưng không bán được còn neo chờ giá thì mít chín rụng, chị Nhung đã nghĩ đến chế biến mít thành các món ăn vặt từ mít theo kiểu món "mặn" (làm từ thịt).

Đầu năm 2022, ba sản phẩm từ mít của thương hiệu Lemit Foods ra đời, gồm pa tê, chả cá thát lát, bánh phồng. Đến nay bộ sưu tập sản phẩm đã phong phú hơn khi có thêm snack (vị phô mai và vị muối hồng), khô và mọc mít.

Theo chị Nhung, sau 3 tháng tung các sản phẩm thịt thực vật ra thị trường, Lemit Foods đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số gần 30%. Hiện pa tê mít trở thành sản phẩm chủ lực, được nhiều khách hàng trong nước tin dùng và lựa chọn. Ngoài thành lập công ty tại thành phố Ngã Bảy, chị còn xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến trên website, mạng xã hội.

“Tôi muốn sử dụng nguyên liệu từ mít tạo ra sản phẩm đa dạng về khẩu vị, chủng loại. Với sản phẩm thịt thực vật này tôi mong muốn người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thực phẩm ăn chay, ăn kiêng… để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường”, chị Nhung chia sẻ.

Chị Nhung biết để tạo ra sản phẩm thịt thực vật từ mít phải trải qua nhiều công đoạn như thu hái, xử lý nhựa (mủ), tẩm ướt, chế biến, thanh trùng, tiệt trùng, đóng gói. Trong đó khâu xử lý nhựa là khó nhất. Để làm rã nhựa, mít được thái nhỏ, nhúng nước nóng và đưa vào sấy ở nhiệt độ thích hợp.

"Trái mít từ lúc còn non hay khi chín hầu như sử dụng hết toàn bộ chỉ trừ phần vỏ cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao giá trị trái mít cho người nông dân", chị Nhung nói.

Những sản phẩm thịt thực vật được chế biến từ mít. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Nhung thông tin theo các nghiên cứu thị trường của thịt thực vật tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hơn 10% một năm và dự báo đạt hơn 500 triệu USD trong vài năm tới. Trước đây 70% nguồn nguyên liệu làm thịt thực vật là đậu nành và hiện nay là mít mở ra cơ hội cho chị khi tỉnh Hậu Giang có vùng nguyên liệu dồi dào.

"Mít non được tỉa bớt để giúp các quả còn lại phát triển tốt. Vì vậy, dùng nguyên liệu mít non sẽ giúp gia tăng giá trị cây mít và bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường", chị Nhung nói.

Cũng theo chị Nhung mít cũng là mặt hàng giá cả bấp bênh nên khi có nguồn thu ổn định từ mít non nhà vườn được tăng thu nhập, giúp họ an tâm sản xuất.

Hiện tại, chị ký kết thu mua với các hộ dân trồng mít tại địa phương với diện tích gần 500 ha mít, giá thu mua 5.000 đồng/kg, giúp gần 50 hộ dân có đầu ra ổn định, mỗi tháng công ty tiêu thụ từ 1,5 - 3 tấn mít non để chế biến các sản phẩm thịt thực vật.

Năm 2023, Dự án biến mít thành thịt của chị Cao Thị Cẩm Nhung đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang 2023; top 12 dự án chung kết cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc 2023; top 100 doanh nghiệp Start-up Wheel với 2.000 doanh nghiệp toàn cầu tham gia. Hiện sản phẩm khô mít, pa tê mít được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn