MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người kinh doanh quần áo gặp khó dù dịch COVID-19 đã được khống chế

Vũ Long LDO | 22/03/2021 17:19

Lượng khách giảm đến 80%, các tiểu thương kinh doanh ngành hàng quần áo tại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, phải xoay sang làm đủ việc để có thu nhập.

Kinh doanh “đóng băng” vì lượng khách giảm đến trên 80%. Ảnh: Vũ Long

Doanh thu giảm 80%

Đến gần giữa trưa ngày 22.3, một số chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội như Cầu Diễn, Đồng Xa, Nghĩa Tân... đều có tình trạng chung là vắng khách. Thực tế này đã kéo dài hơn nửa năm nay, đặc biệt là từ sau dịp Tết Nguyên đán lượng khách sụt giảm mạnh, dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát khá ổn.

Có mặt tại chợ Đồng Xa, quận Cầu Giấy, PV chứng kiến nhiều tiểu thương bật nhạc hát karaoke, tập thể dục, xem phim hài…, một số thì túm tụm buôn chuyện vặt giết thời gian.

Chị Nguyễn Phương Anh cho biết kinh doanh quần áo rất khó khăn. Ảnh: Vũ Long

“Tình hình kinh doanh khó khăn đã kéo dài nhiều tháng nay. Có những ngày chúng tôi không bán được đồng nào. Dịp cuối năm ngoái mỗi tháng còn kiếm được 3-4 triệu, nhưng từ Tết đến nay khách vắng hẳn” – chị Nguyễn Phương Anh (quầy 49-51 ngành quần áo, chợ Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ.

Còn theo chị Trần Thị Hồng Thoan, kinh doanh quần áo trẻ em tại chợ này, cho biết, chị đang đọng cả tỉ đồng tiền hàng vì tình trạng ế khách kéo dài. “Bán hàng trẻ con khác với người lớn, khi nhập hàng mỗi sản phẩm phải lấy cả “dây” hàng chục bộ với nhiều cỡ khác nhau, nên mỗi lần nhập là số lượng lớn. Hàng nhiều, bán chậm nên vốn đọng lại ngày càng nhiều hơn” – chị Thoan tâm sự.

Không riêng gì ngành hàng quần áo, mà các quầy bán chăn, ga, đệm cũng trong tình trạng ế ẩm. Bà Hoàng Thị Loan ( quầy số 192-193 nhà C) cũng cho hay, lượng khách mua hàng giảm đến 90%, 2 ngày nay bà chỉ mới bán được 1 chiếc chăn với giá 200.000 đồng.

Cảnh kinh doanh ế ẩm tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Long

Tại chợ Đồng Xuân, mặc dù tình hình kinh doanh có khởi sắc hơn cùng thời kỳ năm ngoái, nhưng lượng khách giảm đến 60-70% so với trước khi có dịch COVID-19.

Chị Hải Tuyết (chủ sạp quần áo 119-B3 tầng 3, chợ Đồng Xuân, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến người dân thắt chặt chi tiêu, quần áo không phải là mặt hàng thiết yếu nên bị cắt giảm nhiều nhất. “Không riêng gì quầy của tôi mà tất cả ngành hàng quần áo đều bị ế ẩm dù dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế” – chị Tuyết nói.

Làm thêm nghề phụ để duy trì nghề chính

Doanh thu giảm mạnh, mỗi tháng tiền lãi chỉ còn khoảng 2-4 triệu đồng tùy vị trí quầy và tùy nhóm hàng, nên nhiều tiểu thương phải làm thêm nghề phụ để có thêm thu nhập.

“Tôi bán hàng buổi sáng. Từ 13h đến 15h thì làm thêm tại xưởng bánh kẹo. 16h lại quay về quầy mở cửa bán hàng. Chưa kể tranh thủ chở thêm đồ, làm shipper (người chuyển giao hàng) để bù vào khoản thu nhập bị thiếu hụt. Nói chung, các việc làm thêm lại là thu nhập chính để bù vào cửa hàng” – chị Nguyễn Phương Anh cho hay.

Nhiều tiểu thương vừa kinh doanh quần áo vừa kiêm thêm may vá để bù đắp thu nhập. Ảnh: Vũ Long

Chị Hà Trung (kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xa) cũng cho biết, để đủ tiền trang trải cho cuộc sống, chị phải bán thêm xôi mỗi sáng. Khoản tiền này cũng bù đắp rất nhiều cho thu nhập bị giảm sút từ cửa hàng quần áo tại chợ.

Mặc dù kinh doanh ngành hàng quần áo, nhưng hàng chục hộ kinh doanh tại các chợ phải kèm thêm nghề phụ sửa chữa quần áo để có thêm nguồn thu.

Chính vì việc kinh doanh quá khó khăn, hoạt động thương mại ngành hàng quần áo gần như “đóng băng” nên nhiều chủ quầy hàng đã phải đóng cửa. Việc san nhượng quầy cũng hết sức khó khăn vì không ai dám đầu tư lúc này. Chính vì vậy mà giá các quầy hàng đã giảm đến 50% nhưng vẫn không thể sang nhượng lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn