MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân kiến nghị nên sửa lại quy định về Thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Hải Nguyễn

Người làm công ăn lương ngóng sửa quy định thuế thu nhập cá nhân

Minh Ánh LDO | 29/02/2024 10:34

Một số chuyên gia cho rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần xem xét sửa đổi để đảm bảo chính sách mang tính dự báo, tính dài hạn.

Quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không còn phù hợp với tình hình thực tế

Chị Mai Hoa (Hà Nam) là giáo viên một trường THPT công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy. Hiện tổng thu nhập gồm phụ cấp, thu nhập tăng thêm của chị khoảng 19 triệu đồng/tháng.

Đáng nói, chị Hoa đang có con nhỏ đi học tiểu học. Chi phí để nuôi con ăn học rất lớn.

Trong năm 2023, chị Hoa bán mảnh đất dưới quê để gom tiền mua nhà trên thành phố. Vì vậy, khi quyết toán thuế năm 2023, chị Hoa rất lo lắng bản thân sẽ bị trừ khoản tiền lớn thuế TNCN từ tiền bán bất động sản.

"Hai vợ chồng tôi đang đỏ mắt tìm một căn hộ khu vực Cầu Giấy, nhưng giá chung cư khá đắt đỏ, trong khi mình không muốn vay mượn ngân hàng. Tiền tiết kiệm được từng nào hay từng đó. Năm nay chi phí nào cũng đắt đỏ, phòng trọ gia đình tôi đang ở cũng tăng giá vì mới sửa chữa. Tôi chỉ mong sửa quy định về thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt nâng mức giảm trừ gia cảnh để chia sẻ với người làm công ăn lương như chúng tôi" - chị Hoa nói.

Các chuyên gia đánh giá, mỗi năm mức sống của người dân ngày một tăng lên, trong khi đó thu nhập lại có phần giảm sút trong năm 2023 khi tình hình kinh tế khó khăn.

Đơn cử như số thu thuế cá nhân vào ngân sách nhà nước năm 2023 lần đầu ghi nhận giảm trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, theo số liệu của Tổng cục Thuế.

TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, quy định về thuế TNCN hiện nay đã lỗi thời, không phù hợp với tình hình thực tế.

TS Tú nhấn mạnh vào việc để năm 2024 người làm công ăn lương không chịu thiệt thòi khi thu nhập giảm, Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ phương án ban hành các Nghị định để tháo gỡ khó khăn ngay tức khắc cho người nộp thuế, đảm bảo quyền lợi cho họ.

Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tiễn

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Minh Khiêm - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nay là Cục Quản lý giám sát thuế, phí, lệ phí, dẫn chứng: Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 4.2023, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2022 là 4,67 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,23 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là hơn 2,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.

Đại diện Cục quản lý giám sát thuế, phí, lệ phí cho biết: Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người theo kết quả khảo sát nêu trên và cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay (Vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, Vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng, Vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng, Vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng).

Ông Khiêm cho biết: "Có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh nêu trên là phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, để chính sách thuế TNCN phát huy tính hiệu quả cùng với tiến trình phát triển, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo chính sách mang tính dự báo, tính dài hạn thì cần xem xét mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tiếp theo".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn