MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nhân Nguyễn Mộng Lân (thứ ba từ phải qua) trong ngày khánh thành một nhà máy bột giặt mới.Ảnh: HH

Người nặng lòng với ngành bột giặt trong nước

HOÀNG HOAN LDO | 11/06/2018 09:29

Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, một trong những cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương lần này là ông Nguyễn Mộng Lân - Tổng Giám đốc Cty TNHH Vico (Hải Phòng), người sáng lập ra thương hiệu bột giặt Vì Dân cũng là người nặng lòng với ngành bột giặt trong nước.

Người thiết kế các nhà máy phân lân, bột giặt từ Bắc đến Nam

Doanh nhân Nguyễn Mộng Lân tốt nghiệp Đại học Bách Khoa năm 1972. Ra trường, ông về công tác tại Viện Thiết kế công nghệ Hóa chất. Trong suốt 22 năm làm việc tại đây, ông là người tham gia thiết kế hầu hết các nhà máy hóa chất trải dài từ Bắc đến Nam như: Hóa chất Việt Trì, Long Thành, Lâm Thao, Bình Điền, Hóa chất Biên Hòa, Thuốc sát trùng Việt Nam, Măng gan Cao Bằng. Không những thế, hàng loạt nhà máy bột giặt thành lập sau năm 1975 đều do ông Lân làm chủ đề tài thiết kế như Bột giặt Lâm Thao, Việt Trì, Thái Hà, Hà Nội, Daso, Sông Cấm, Sao Biển, Cần Thơ, Phương Đông...

Theo doanh nhân Nguyễn Mộng Lân, đến năm 1995, tất cả các tập đoàn đa quốc gia đều có mặt tại Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường trong nước về lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Các DN trong nước thuộc ngành hóa chất đều phá sản hoặc là chuyển sang làm thuê cho các tập đoàn quốc tế. “Rất buồn trước tình trạng này và mong muốn được làm 1 thương hiệu bột giặt của riêng Việt Nam, có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng loay hoay suốt mấy năm ở những nơi làm việc khác, năm 1997, tôi chính thức về làm giám đốc của Cty Hóa chất Sao Biển, tiền thân của Cty TNHH VICO sau này và là nơi thương hiệu Bột giặt Vì Dân ra đời”. Lúc đó, Cty Sao Biển vô cùng khó khăn. Công việc chủ yếu của Cty là gia công sản phẩm cho 1 đơn vị khác, nhưng sau đó đã bị cắt hợp đồng, nguy cơ phá sản ở trước mắt. Cùng thời điểm đó, bản thân ông Lân còn bị kẻ xấu tạt axit vì mẫu thuẫn làm ăn. “Lúc đó vợ con tôi yêu cầu phải về Hà Nội. Nhưng nhà máy với 800 công nhân và khát vọng thay đổi đã níu chân tôi ở lại Hải Phòng. Với mục tiêu rõ ràng trước mắt, việc đầu tiên là tôi đi làm sổ đỏ trụ sở, sau đó cầm bìa đỏ đi vay ngân hàng lấy vốn làm ăn. Tiếp đó, Cty VICO liên doanh với TCty Intemex, kí hợp đồng sản xuất bột giặt xuất khẩu sang Iraq. Trong 6 năm hợp tác, Sao Biển có thể cầm cự được qua giai đoạn khó khăn” - ông Lân kể.

Bước ngoặt chính là vào năm 2000, ông Lân quyết định sản xuất bột giặt Vì Dân đóng trong bao tải, trong bao còn kèm thêm 20 túi nilon để các đại lý bán lẻ cho người dùng. Nhờ phương thức này, mà giá thành của Vì Dân giảm rất nhiều so với bột giặt OMO vốn đang chiếm lĩnh thị trường thời điểm đó. Nhưng sau đó, để cạnh tranh được và cũng là đứng trước con đường tồn tại hay bị diệt vong, ông Lân phải quyết định tiếp là phải giảm chi phí sản xuất, trong đó phải hạ cả lương của công nhân. Lợi nhuận của Cty lúc đó là bằng 0.

Do xác định đi đúng hướng, nên sản phẩm đã vào được thị trường như vũ bão. Chỉ sau 2 năm, năm 2002, Vì Dân đã chia đôi thị trường miền Bắc đối với OMO. Cùng thời điểm này, tập đoàn hóa chất nước ngoài Unilever đã buộc phải hạ 40% giá để cạnh tranh lại với Bột giặt Vì Dân.

Khẳng định bản lĩnh của thương hiệu Việt

Kể lại những ngày bị cạnh tranh khốc liệt bởi các tập đoàn hóa chất nước ngoài, ông Lân chia sẻ: “Tôi làm việc hết sức mình, trước là cho bản thân, cho Cty mình, sau là không để DN trong nước bị các tập đoàn nước ngoài ép chết. So với thế giới, VICO vẫn còn rất bé nhỏ, nên muốn tồn tại, thì phải không ngừng vươn lên. Cho đến hiện tại, thu nhập của NLĐ Cty đã được tăng lên, Cty cũng không ngừng cải tiến công nghệ, đưa tự động hóa vào sản xuất. Năm 2008, Cty mới chỉ tự động hóa 50%, đến 2014, Cty đã tự động hóa 100%”.

Cho đến nay, Cty VICO đã có nhiều nhà máy. Năm 2008, Cty xây dựng tháp bột giặt thứ 2 có công suất 50.000 tấn; năm 2014, xây dựng tháp bột 100.000 tấn; năm 2017 có nhà máy 99.000 tấn ở Bình Dương để phục vụ thị trường phía Nam. Thời điểm hiện tại, Cty đang xúc tiến xây dựng nhà máy mỹ phẩm 5 sao tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng). Cty hiện có 700 lao động và trên 600 nhân viên thị trường, 150 nhà phân phối. Năm 2017, doanh thu của Cty là 1.000 tỉ đồng, chiếm 11% thị phần bột giặt cả nước. Sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Lân cũng không giấu tham vọng là các sản phẩm bột giặt, nước rửa tay, rửa chén, nước xả vải, xà bông của Cty sẽ chiếm 20% thị phần cả nước vào năm 2030. Ngoài việc đi sâu vào mảng chất tẩy rửa, năm 2018, Cty VICO cũng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực mỹ phẩm.

Ông Lân cho rằng: Trong giai đoạn khó khăn, người đứng đầu DN phải biết động viên anh em đồng cam cộng khổ, khi làm ăn có lãi thì phải quan tâm đến đời sống của công nhân. Thêm vào đó, luôn phải ưu tiên bộ phận cần tài năng và đặc biệt là phải hài hòa mối quan hệ từ lợi ích của cổ đông, đời sống NLĐ và đầu tư phát triển. “Phương châm của tôi là phải phấn đấu liên tục, nâng cao kỹ thuật và năng lực người quản lý thì mới đưa Cty phát triển đi lên được” - ông Lân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn