MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Việt ăn mì tôm thứ 3 thế giới, Acecook Việt Nam vào top toàn cầu

Cường Ngô LDO | 28/08/2021 18:42

Từ thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam ăn mì tôm nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, vượt Ấn Độ. Trong top các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu có tên Acecook Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn thứ ba trên thế giới

Ngày 20.8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh Châu Âu.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

2 sản phẩm của Việt Nam là miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo bị thu hồi do chứa Ethlene Oxide. Ảnh: FSAI. 

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng này dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỉ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỉ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026.

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới khá cao. Thị trường mì toàn cầu có thể được chia theo chủng loại gồm: Mì thịt gà, rau, hải sản và các loại khác.

Các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu hiện có Nissin Food Holdings; Nestle SA; ITC Limited; Capital Food Pvt Ltd; Ajinomoto Co, Inc; Acecook Việt Nam; Indofood Sukses Makmur Tbh; Aico Food Ltd; Samyang Corporation; Unilever PLC; Nongshim Co Ltd; Hebei Hualong Food Group và Master Kong.

Việt Nam nằm ở top các nước tiêu thụ nhiều mì tôm trên thế giới. 

Từ thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), có thể thấy, thị trường Châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020, thứ hai là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%. Trung Quốc tuy có nhu cầu về mì ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao như Việt Nam. 

Theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019. Trong các nước khối ASEAN, Philippines cũng có tỉ lệ tăng trưởng về nhu cầu mặt hàng mì gói, mì cốc khá cao, đạt 16,10% vào năm 2020.

Nguyên nhân bởi Philippines là một quốc gia chịu nhiều thiên tai nên hầu hết người dân có xu hướng tiết kiệm tiền cho tương lai, luôn dự trữ thực phẩm có thể dễ dàng nấu chín phòng trừ trong thời gian xảy ra thiên tai. Do vậy, mì ăn liền chính là một lựa chọn tối ưu nhất.

Còn theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỉ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa chúng ta, tận dụng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, điều này khiến thị trường Việt Nam rất phong phú, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng. 

Bao giờ có kết quả xác minh?

Lên tiếng về sự việc mì tôm Hảo Hảo chứa chất cấm, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho hay, cơ quan này đang khẩn trương xác minh liệu có sự xuất hiện chất ethylene oxide trong các sản phẩm của Acecook tiêu thụ trong nước hay không.

"Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp tự tiến hành rà soát báo cáo về quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo, miến Good do công ty sản xuất. Họ có trách nhiệm tự công bố" - ông Hòa nói.

Theo ông Hoà, dựa trên báo cáo của doanh nghiệp, đánh giá mức độ, cụ thể vấn đề như nào rồi mới đưa ra quyết định kiểm tra. Hiện tại, vẫn chưa có quyết định chính thức về hình thức kiểm tra.

Về thời gian có kết quả báo cáo rà soát, ông Hòa cho biết, sẽ cố gắng diễn ra nhanh nhất có thể, khả năng tuần sau sẽ có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn