MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mở bán iPhone 13 tại cửa hàng Topzone sáng 22.10. Ảnh: Thế Lâm.

Người Việt có thực sự “xài sang, chi mạnh” để mua iPhone 13?

Thế Lâm LDO | 24/10/2021 07:06

TPHCM- iPhone 13 đang giúp “hâm nóng” trở lại thị trường điện thoại Việt Nam nói chung bị trầm lắng do dịch bệnh. Thu nhập của người dân nhìn chung giảm sút do khó khăn của nền kinh tế trong dịch bệnh, nhưng người dùng Việt vẫn đặt mua rất nhiều iPhone thế hệ mới.

Nhu cầu tăng đột biến

Sau 1-2 ngày đầu mở bán iPhone 13 tại thị trường Việt Nam, những con số ban đầu từ nhiều chuỗi bán lẻ đều cho thấy nhu cầu đặt mua tăng đột biến.

Tại chuỗi FPT Shop, tổng lượng đơn đặt hàng gần 40.000 máy trong khi mùa iPhone 12 năm 2020 chỉ khoảng hơn 20.000 máy. Trong khi đó, chuỗi Thế Giới Di Động cũng có tới khoảng 43.000 khách đặt hàng trước, trong đó có khoảng 34.000 khách đặt cọc.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều chuỗi bán lẻ ghi nhận nhu cầu đặt mua iPhone 13 có mức tăng thấp nhất so với mùa iPhone năm ngoái cũng khoảng 30%.

Theo thông tin từ chuỗi Di Động Việt, sức mua năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 40%. Trong khi đó, nhu cầu đặt mua iPhone 13 tại chuỗi Minh Tuấn Mobile cũng tăng trưởng mạnh so với năm trước ở mức 2 con số, nhưng khả năng đáp ứng lại có hạn, chỉ được khoảng 40% trong đợt đầu mở bán. Tỉ lệ đáp ứng này của Di Động Việt là khoảng 30%, và Thế Giới Di Động khoảng 44%.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt – Giám đốc chuỗi Di Động Việt, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng hạn chế vì lượng iPhone về thị trường Việt Nam năm nay trong tuần đầu tiên mở bán giảm khoảng 20% so với năm trước. Trong khi đó, nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng Việt qua các chuỗi lại  tăng hơn mùa trước khá nhiều.

Chỉ là sự chuyển dịch?

Một thông tin gây “bốc hỏa” là chuỗi FPT Shop chỉ sau ngày đầu tiên mở bán đã đạt doanh số gần 200 tỉ đồng từ iPhone 13. Con số này càng khiến dư luận nghiêng về nhận định rằng, người Việt chơi sang, đặc biệt là với “táo khuyết”, cho dù thu nhập nhìn chung của người dân trong bối cảnh dịch bệnh giảm sút khá nhiều.

Và nếu chỉ nhìn vào những con số trên trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế nói chung, không ít ý kiến cho rằng dường như đang xảy ra “nghịch lý”.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Đạt, “nghịch lý xài sang” có lý do của nó. Ông Đạt cho rằng, dung lượng thị trường iPhone nhiều năm qua được chia 50/50 cho hàng xách tay và hàng chính hãng.

Tuy nhiên qua 2 mùa iPhone 12 và 13 xảy ra dịch bệnh, kênh vận chuyển nhìn chung đứt gãy đặc biệt là hàng không. Theo đó, iPhone xách tay về Việt Nam đã bị giảm rất mạnh. Từ đó, người tiêu dùng chuyển dịch sang đặt hàng chính hãng.

Những con số đặt hàng chính hãng tại các chuỗi bán lẻ lại thường xuyên và sớm được công bố cũng tạo cảm giác thị trường tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên ông Đạt nhận định rằng, tổng cầu iPhone trên thị trường không tăng. Diễn biến “nhu cầu tăng đột biến” có thể thực chất chỉ là chuyển dịch từ khu vực iPhone xách tay sang iPhone chính hãng.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của chuỗi Thegioididong.com, iPhone chiếm khoảng 30% doanh số thị trường điện thoại tại Việt Nam. Từ vài năm trước, tổng dung lượng thị trường điện thoại tại Việt Nam theo nghiên cứu đã đạt ngưỡng khoảng 2 tỉ USD/năm.

Giả thiết, với 1/3 của con số 2 tỉ USD là khoảng hơn 600 triệu USD, có một nửa là doanh số của iPhone xách tay, đã chuyển dịch đến hơn 90% sang iPhone chính hãng, hoàn toàn có thể tạo ra sự tăng trưởng đột biến cho các chuỗi bán lẻ hàng chính hãng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn