MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: PV

Người Việt dùng hàng Việt: 9 năm nhìn lại

Đức Thành LDO | 17/02/2018 18:28
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 9, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận. Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQVN, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết:

Có thể nói, Cuộc vận động đã được triển khai đến tận các khu dân cư, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, hiệu ứng làm thay đổi nhận thức và hành vi đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam.

Thứ hai là đã tạo tác động, khuyến khích mạnh mẽ đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng hóa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ ba là việc xây dựng các mô hình để triển khai, tạo sự hiểu biết nhận diện hàng hóa Việt Nam cũng như cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng hàng giả hàng nhái cũng được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai rất hiệu quả. Tất cả những kết quả đó tạo nên sức lan tỏa cho Cuộc vận động sau 8 năm triển khai thực hiện ngày càng đi vào thực chất.

PV: Năm 2018, Ban chỉ đạo tập trung chủ yếu vào những nội dung cụ thể nào, thưa bà?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặc biệt chú trọng triển khai xây dựng các điểm bán hàng hoặc thực hiện các đề án kết nối cung cầu để tạo ra sự gặp gỡ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, người tiêu dùng với các sản phẩm trong nước.

Thứ hai là hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thương hiệu, để xây dựng vị thế trên thị trường, giữ được thị phần trong xu thế hiện nay.

Đồng thời chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động để các thương hiệu Việt đã được xây dựng ngày càng lan tỏa hơn, để người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt nhiều ơn nữa, sâu sắc hơn.

Ngoài ra còn cần tăng cường quản lý thị trường để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

PV: Cuối 2017 đã xây dựng logo của Ban chỉ đạo nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể sử dụng như thế nào. Một số doanh nghiệp FDI cũng rất mong muốn được sử dụng logo này để sản phẩm quảng bá, làm thế nào để có thể sớm ban hành các quy định, tiêu chí?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng quy chế quản lý, sử dụng logo. Doanh nghiệp nào cam kết đồng hành cùng với Cuộc vận động thì chúng tôi sẽ cho phép sử dụng logo gắn với thương hiệu hàng hóa, sản phẩm của đơn vị mình.

Đối với các doanh nghiệp FDI mà các nhà đầu tư tiếp tục quản lý, phát triển thương hiệu Việt đó thì có các điều kiện họ phải tiếp tục đưa các hàng hóa của mình ra kênh phân phối, kệ bán hàng của họ.

Ngoài ra, lao động phục vụ các đơn vị này phải là lao động Việt Nam, nếu như họ đáp ứng các tiêu chí đó thì chúng tôi sẽ nghiên cứu xem xét để tiếp tục đề xuất đồng ý cho họ sử dụng logo của mình cho họ giới thiệu sản phẩm hàng hóa.

PV: Theo bà, cuộc vận động sẽ biến chuyển ra sao trong thời gian tới?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Chúng tôi sẽ tăng cường vận động, tăng cường hoạt động giám sát cũng như khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực trong cơ chế thị trường, cơ chế cạnh tranh, hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng vùng sâu vùng xa.

Đến năm 2019, tức là sau 10 năm triển khai Cuộc vận động, chúng tôi sẽ cố gắng đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền để thấy được nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đã chuyển sang nhận thức phải đóng góp để cùng xây dựng mục tiêu nền kinh tế ngày càng phát triển ổn định và tự chủ.

Chúng tôi mong muốn khi ấy, từ khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ chuyển thành ""Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Kết thúc sứ mệnh của Ban chỉ đạo như vậy sẽ góp phần làm cho nền kinh tế của chúng ta phát triển mạnh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn