MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cát san lấp, cát xây dựng khan hiếm, giá tăng cao gây ảnh hưởng khó khăn đến việc thi công xây dựng công trình ở Thái Bình. Ảnh minh họa: Nam Hồng

Nguồn cát khan hiếm ảnh hưởng đến xây dựng công trình ở Thái Bình

TRUNG DU LDO | 17/12/2023 06:12

Thái Bình - Theo phản ánh của các chủ kinh doanh bến bãi vật liệu và nhà thầu xây dựng, thời gian qua tại tỉnh Thái Bình, nguồn cát san lấp, cát xây dựng trở nên khan hiếm, thiếu hụt đã gây rất nhiều khó khăn cho việc xây dựng, thi công công trình.

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 16.12, một chủ hộ kinh doanh bến bãi, vật liệu xây dựng tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cho hay, trong suốt 20 năm gắn bó với nghề kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng ở bến bãi ven sông Trà Lý, chưa bao giờ gia đình chị gặp nhiều khó khăn như năm nay.

Chủ hộ kinh doanh này chia sẻ: “Các nguồn vật liệu nếu không có đủ hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ mỏ thì tàu không thể chở hàng vào cấp cho bến. Trong khi các nguồn vật liệu có đầy đủ điều kiện lưu hành, buôn bán thì ngày càng ít đi. Chưa kể các chi phí vận chuyển, thuế má đã đẩy giá cát lên cao hơn. Cứ như thế này thì bến bãi như chúng tôi “đóng băng”, đành nín thở để vượt qua giai đoạn khó khăn này chứ cũng chưa biết làm thế nào”.

Chị cho biết thêm, suốt thời gian qua từ máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải thủy, vận tải bộ cho đến nhân công đành “treo” cả, vì không có hàng để làm. Vốn liếng vay mượn ngân hàng để đầu tư kinh doanh vì thế cũng khó quay vòng, khó khăn chồng chất khó khăn.

Các chủ bến bãi kinh doanh, buôn bán vật liệu ở Thái Bình cho biết đang gặp khó khăn rất lớn khi thiếu nguồn cung. Ảnh: Trung Du

Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, cách đây chừng 4 - 5 tháng, tình trạng thiếu cát san lấp ở các dự án giao thông trọng điểm do đơn vị làm đại diện chủ đầu tư rất căng thẳng. Đến nay, khó khăn này về cơ bản đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn đó những lo lắng cho tương lai.

“Hiện nay, đối với tuyến đường bộ ven biển thì khối lượng san lấp đã thi công đạt khoảng 80%, dự án các tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình đạt khoảng 60%, số còn lại cơ bản sẽ đủ, không quá lo ngại. Thế nhưng, với tình hình như hiện nay, tương lai gần khi tỉnh bắt tay làm tuyến cao tốc ven biển CT.08 thì chắc chắn sẽ đối mặt nguy cơ thiếu cát san lấp, khi mà công trình này sẽ cần đến lượng cát san lấp rất lớn”, đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Bình nói.

Dự án các tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình đến nay đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng san lấp nền đường. Ảnh: Nam Hồng

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được khởi công từ tháng 5.2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện nhà thầu thi công dự án cho biết gặp rất nhiều khó khăn vì bị đội vốn lớn do giá vật tư, vật liệu leo thang.

“Đặc thù của Thái Bình là không tự chủ được nhiều các nguồn vật liệu xây dựng. Chúng tôi là đơn vị thi công công trình lớn, vốn ngân sách thì vật liệu sử dụng luôn phải có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ đầy đủ, do đó chi phí rất lớn”, đại diện nhà thầu thi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn