MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành NNPTNT đang đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: CN

Nguồn cung đang dư thừa, nhưng có thể thiếu trong dịp Tết

Vũ Long LDO | 06/10/2021 15:25

Hiện tại nguồn cung đang dư thừa "ảo", có thể đẩy tình trạng sản xuất, chăn nuôi chậm lại, khiến nguồn cung thịt gia súc, gia cầm và thủy sản thiếu hụt cuối năm.

Ùn ứ nông sản cục bộ hiện tại là "dư thừa ảo"

Trao đổi với PV Lao Động chiều 6.10, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay “cầu” tiêu dùng đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm giảm rất nhiều, đặc biệt là đối với thịt lợn và thịt gia cầm.

Tại các thành phố lớn, lượng người lao động rời thành phố rất lớn kéo cầu tiêu dùng tại địa phương giảm rất mạnh. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán bình dân, trường học, bếp ăn tập thể chưa hoạt động bình thường trở lại cũng tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm.

“Thực chất là sản xuất vẫn bình thường nhưng nhu cầu giảm nên vật nuôi ứ đọng trong chuồng. Nguồn cung ứ đọng do sức mua giảm, thực ra đây là dư thừa “ảo” - ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nếu sức mua vẫn ổn định như trước dịch, khi hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán cơm bình dân, bếp ăn tập thể vẫn hoạt động thì mới là thiếu hụt thực. Còn hiện nay, nhu cầu giảm thì ùn ứ nông sản hiện tại chỉ là cục bộ.

Không chủ quan với nguy cơ thiếu nông sản dịp Tết

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thủy sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý 3 giảm 5,2%. Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, logistics không thuận lợi, thiếu nguồn vốn… là những yếu tố tiêu cực khiến người chăn nuôi không hào hứng với việc tái đàn, nuôi thả, không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, mà còn ở ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Mặc dù tăng trưởng chăn nuôi lợn 9 tháng qua tăng trưởng 5%, nhưng giá lợn hơi, gia cầm, đặc biệt là giá gà công nghiệp lông trắng “lao dốc”, sức mua giảm mạnh, sản phẩm ứ đọng trong chuồng trại, khiến người chăn nuôi không thu hồi được vốn, việc sản xuất, kinh doanh rất khó khăn, có thể khiến nguồn cung nông sản bị giảm sút.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, về nguồn cung thịt gia cầm thì không đáng ngại, bởi thời gian chăn nuôi ngắn, có thể khôi phục lại đàn và sau 35-42 ngày đã có sản phẩm. Nhưng chăn nuôi lợn phải cần từ 6 tháng.

“Vấn đề là hiện nay lợn tồn đọng trong chuồng chưa bán được, vốn đang đọng lại ở đó. Điều kiện chuồng trại, cơ sở vật chất cũng giới hạn chỉ nuôi được số lượng con như vậy, nếu chưa xuất lứa cũ đi thì không thể nuôi lứa mới. Hiện nay, lợn hơi đang được “bán tháo” với giá thấp, nhưng nghịch lý là giá thấp như vậy thì người chăn nuôi “ngại” tái đàn dẫn đến việc thiếu hụt cục bộ trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay, dịch bệnh trên người và động vật trên cạn (dịch tả lợn Châu Phi) đang diễn biến phức tạp, thì phòng chống dịch, sản xuất an toàn để tăng trưởng bền vững là giải pháp căn cơ nhất. Do đó, cần đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.

Để người chăn nuôi có lãi, cần tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm, nguyên liệu thức ăn tại chỗ. Với gia cầm có thể tận dụng thóc gạo; trâu, bò, dê, cừu  thì tận dụng phụ phẩm của trồng trọt như rơm, rạ, rau, cỏ, ở vùng đất kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng ngô sinh khối…, để giảm áp lực sử dụng thức ăn chăn nuôi tổng hợp. 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập từ nước ngoài, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 16-36% đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao, nếu sử dụng nguồn thức ăn sẵn có, sẽ giảm được giá thành sản xuất.

“Tốt nhất phải thực hiện được chuỗi tuần hoàn trong nông nghiệp, đầu vào của trồng trọt là đầu ra của chăn nuôi và ngược lại. Nguyên liệu từ trồng trọt là rơm, rạ, cỏ, rau xanh, ngô sinh khối là thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các phụ phẩm từ trái cây, thủy sản từ ngành chế biến để phục vụ cho chăn nuôi, mỗi thứ kết hợp một chút sẽ góp phần giảm giá thành” – ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn