MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguồn cung xăng dầu có thể giảm 1,2 triệu m3 sản lượng vào năm 2023

Cường Ngô LDO | 08/12/2022 15:53

Nguồn cung xăng dầu phục vụ dịp Tết đã được các doanh nghiệp đầu mối chuẩn bị, sẵn sàng nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhưng nguồn hàng năm sau có thể bị ảnh hưởng do các nhà máy lọc dầu bảo dưỡng dài ngày.

Ngày 8.12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. 

Thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho hay, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Thời tiết vừa qua đảm bảo cho tàu ra vào cảng. Nhà máy Bình Sơn tăng công suất 10-20%, về cơ bản đã đáp ứng hợp đồng đã ký với thương nhân đầu mối.

"Các lãnh đạo bộ đã lường hết được kế hoạch bảo dưỡng 2 nhà máy lọc dầu và có kế hoạch nhập khẩu bổ sung, cho nên nguồn hàng đã cơ bản đáp ứng đầy đủ lượng đã đăng ký", ông Khanh nêu rõ.

Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công Thương. Công ty Nam Sông Hậu đã kết nối với hải quan để tái hoạt động kho Trà Nóc và Cái Mép, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho miền Tây Nam Bộ. Nhìn chung, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau tết.

Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. Ảnh: Phan Anh 

Vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Các cửa hàng đều có phương án đảm bảo nguồn và phòng cháy chữa cháy. Dự báo nhu cầu tết sẽ tăng nhưng sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân.

"Hiện nay, không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Có những cửa hàng thời điểm vừa qua bán tăng trưởng đến 70%. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu" - ông Khanh nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Khanh đề xuất vẫn cần phải quan tâm chăm lo nguồn hàng, tạo thuận lợi về vận chuyển. Trong bối cảnh tình hình xăng dầu năm 2022 rất "dị biệt", khó dự báo giá, doanh nghiệp cứ nhập về là lỗ, nên ông đề nghị cần quan tâm điều chỉnh chi phí kinh doanh để tạo nguồn, nới room tín dụng...

Dù nguồn cung năm nay tạm yên tâm, song theo ông Trần Phước Hiền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng lớn vào năm sau nên dự kiến sẽ giảm sản lượng từ 1-1,2 triệu m3.

Dù nhà máy hiện chạy công suất trên 110%, có thể cung ứng đến hết quý 1-2023, nhưng lo ngại nhất là nguồn đầu vào, nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang rất khó khăn. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho hay do Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng dầu từ bên ngoài, nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Trong khi đó, việc các nước EU áp giá trần với xăng dầu của Nga nên có thể dẫn tới giảm sản lượng, nguồn cung và việc nhập khẩu khó khăn hơn.

"Mặc dù Hiệp hội Xăng dầu đã khẳng định nguồn cung được đảm bảo vào cuối năm rất yên tâm rồi, nhưng ta bị phụ thuộc nhập khẩu, nên nguồn cung xăng dầu thời gian tới cần lưu ý, có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng dầu bảo dưỡng theo định kỳ" - ông Hải lưu ý. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao. Dự kiến tháng 5, tháng 6 Lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên phải có kế hoạch nhập khẩu trước. 

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết năm 2023 Bộ Công Thương sẽ quản lý theo hệ thống, áp dụng công nghệ số để quản lý từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối, đến từng cửa hàng bán lẻ để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn