MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn khách bay là khách du lịch vẫn đang còn thấp. Ảnh: Thuỳ Trang

Nguồn khách hàng không chưa phục hồi được như trước dịch

THUỲ TRANG LDO | 28/12/2022 09:04

Theo Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, lượng khách quốc tế Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh. Trong khi đó, lượng khách du lịch (bao gồm cả khách vào - in bound và khách ra - out bound), nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn thấp.

Thị trường Trung Quốc từ 600 xuống còn 16 chuyến/tuần

Tại hội thảo về ngành hàng không và du lịch tại Đà Nẵng mới đây, ông Bùi Minh Đăng - Phó phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải - cho biết, năm 2022, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 11 triệu hành khách khách (tăng 22 lần so năm 2021 nhưng chỉ bằng 27% so năm 2019). Tính riêng cho quý IV/2022, tổng thị trường quốc tế đạt 5,1 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân của việc khách bay hàng không còn thấp là do ngoài thị trường Đông Nam Á là mở cửa khá sớm (từ quý II/2022) thì các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan mới nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch ở các tháng cuối năm 2022. Các thị trường này cần thời gian để kích hoạt và phục hồi.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - một thị trường lớn của các hãng hàng không hai nước - vẫn đang ở mức độ khai thác rất hạn chế với tần suất 16 chuyến bay/tuần cho mỗi bên. Trong khi thị trường này năm 2019 có 14 hãng hàng không hai nước khai thác trên 70 đường bay từ 5 điểm Việt Nam đến 48 điểm ở Trung Quốc với tần suất hơn 600 chuyến bay/tuần, vận chuyển 7,6 triệu khách.

Bên cạnh đó, do xung đột Nga-Ukraine nên thị trường khách Nga bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại trong khi đây là một trong những thị trường lớn của Việt Nam với lượng khách du lịch từ 18 điểm của Nga đến Việt Nam, đặc biệt là các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Bình Thuận, Phú Quốc.

Hợp tác với du lịch để tìm nguồn khách

Trước những khó khăn đó, để phục hồi và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn tới, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, sẽ thực hiện một số giải pháp cũng như phối hợp với các bộ, ngành thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục theo dõi, tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các Nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này. Trước mắt là xem xét, tăng tần suất cho các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước, đồng thời kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào các chương trình làm việc cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Ấn Độ.

 Các địa phương nỗ lực hợp tác cùng hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch khi mở lại các đường bay để cùng thu hút khách. Ảnh: Thuỳ Trang

Tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác đến Cảng hàng không quốc tế (Nội Bài (nơi vẫn còn dư địa phát triển). Khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Nghiên cứu việc thiết lập đường bay không lưu quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và xem xét, công bố Cảng hàng không Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không đến các cảng hàng không này.

Tăng cường công tác phối hợp với Tổng Cục du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế.

Xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân (private flight) cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn