MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Ảnh: Thanh Lan

Nguy cơ cao dịch bệnh trên thủy sản, Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch phòng chống

Vũ Long LDO | 19/03/2021 13:27

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại các tháng đầu năm 2021 giảm 61%, nhưng nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 19.3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - ông Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: Dịch bệnh trên thủy sản đã giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2021, nhưng nguy cơ trong thời gian tới là rất cao. Do đó, yếu tố quan trọng nhất quyết định cho phòng chống dịch bệnh thủy sản là nuôi trồng an toàn sinh học.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), cho biết: Tính đến ngày 15.3.2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020 (tổng diện tích bị thiệt hại năm 2020 là 4.863ha); ngoài ra có khoảng 105 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại; trong đó, thiệt hại trên tôm nước lợ với diện tích bị thiệt hại là gần 1.713,5ha, chiếm 90,3% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm gần 0,4% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước;

Diện tích cá tra bị thiệt hại là 125,6ha (giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 20,1% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước.

Cúc Thú y cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, các dịch bệnh trên tôm cũng xảy ra với nhiều chủng bệnh.

Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Dự báo diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết (giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn,..) tiếp tục diễn biến phức tạp; các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm; các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan; điều kiện môi trường biến đổi lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NNPTNT đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số bệnh nguy hiểm dịch bệnh thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là căn chứ pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn