MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ mai một ở làng nghề vừa được công nhận di sản văn hoá phi vật thể

HOÀNG LỘC LDO | 12/05/2023 14:00

Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tạo ra những sản phẩm trở thành món quà lưu niệm mỗi khi ghé thăm vùng đất Sen Hồng vừa được công nhận di sản văn hoá phi vật thể vào ngày 8.5. Tuy nhiên, trải biết bao thăng trầm, làng nghề độc đáo này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thăng trầm làng nghề dệt choàng

Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành cách đây hơn 100 năm. Lúc mới bắt đầu, người dệt bằng thủ công tạo ra mỗi ngày gần chục sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng với tinh thần học hỏi, sáng tạo, từ khoảng năm 2000 người dân đã dần chuyển sang dệt máy, vừa giảm bớt công lao động vừa tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước.

Lao động ở làng nghề dệt choàng mỗi ngày hoàn thành từ 20 - 25 sản phẩm. Ảnh: Hoàng Lộc

Thế nhưng, đến những năm 2002 – 2003, khó khăn ập đến, tưởng chừng như sẽ xoá tên làng nghề dệt choàng từ đó.

Bà Nguyễn Thị Mèn, ở xã Long Khánh A cho biết: “Năm đó muốn mua chỉ để dệt cũng không có. Nếu có thì phải mua với giá rất cao, rồi giá bán cũng tăng theo. Hơn hết là đầu ra lúc đó không ổn định như bây giờ. Lúc đó treo khung dệt ngày qua ngày nhìn mà buồn muốn khóc. Mình đã quen tay, quen chân với công việc này, giờ nghỉ thì biết làm việc gì”.

Thu nhập từ dệt choàng cao hơn trước đây rất nhiều, luôn trong tình trạng thiếu hụt sản phẩm. Ảnh: Hoàng Lộc

Anh Phạm Thành An, hiện là Giám đốc HTX Dệt choàng Long Khánh cho biết: “Ngày trước cha mẹ cũng có khung dệt, tôi thấy dệt ra sản phẩm cả tháng trời bán không được bao nhiêu. Rồi cha mẹ lớn tuổi nên nghỉ, tôi đi thành phố Hồ Chí Minh làm việc, vậy là làng nghề này mất đi một hộ dệt khăn choàng”.

Năm 2015, HTX dệt choàng Long Khánh được thành lập nhằm cải tiến nhiều mẫu mã khăn choàng, kết hợp giữa phong cách hiện đại và yếu tố truyền thống để cung ứng cho thị trường trong và ngoài địa phương, nhất là làm sản phẩm quà tặng cho khách du lịch.

Anh Thành An cũng đã tận dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm khăn choàng, túi sách, áo dài, cà vạt và nón để kinh doanh được thuận lợi hơn.

Nguy cơ mai một làng nghề

“Mừng vì sản phẩm được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra không đủ giao về HTX, và được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng chừng chục năm nữa tôi không biết như thế nào. Tôi giờ đã già yếu, có 2 đứa con mà mỗi đứa 1 nghề, 1 việc, không đứa nào chọn theo nghề dệt choàng”, bà Mèn tâm sự.

This browser does not support the video element.

Bà Nguyễn Thị Mèn, một thợ dệt choàng có gần 50 năm trong nghề. Video: Hoàng Lộc

Cũng với hoàn cảnh này, hơn 40 năm trước, ông Dương Văn Lực từng là một giáo viên, nghỉ dạy đến với nghề dệt choàng, có thu nhập nuôi 2 con ăn học thành tài, nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên, cũng không có người con nào của ông Lực tiếp nối nghề dệt choàng.

Theo Giám đốc HTX Dệt choàng Long Khánh, đa số các hộ dân sản xuất khăn choàng hiện nay là những người lớn tuổi hoặc lao động không có tay nghề. Còn những thanh niên, lao động có nghề nghiệp ổn định thì không tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình.

Anh Phạm Thành An, Giám đốc HTX dệt choàng Long Khánh. Ảnh: Hoàng Lộc

Bà Trương Thị Mỹ Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự thông tin, làng nghề phát triển được như hiện nay đã giúp thu nhập của người dân được cải thiện. Xã cũng đang tiếp tục tạo điều kiện để HTX dệt choàng Long Khánh phát triển cũng như xúc tiến thương mại để phát triển làng nghề. Từ đó để thế hệ trẻ thấy được hiệu quả của việc dệt choàng mà tiếp tục theo truyền thống.

“Xã cũng nghiên cứu đa dạng hình thức kinh doanh cho những hộ dệt choàng như liên kết du lịch, nâng cao tay nghề để từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã mới, thích hợp với nhu cầu của thị trường từ chính những sản phẩm của làng nghề dệt choàng”, bà Mỹ Thạnh thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn