MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ thiếu điện trực chờ khi Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt

Nhóm PV LDO | 30/05/2022 10:22

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, việc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 (Quy hoạch Điện VIII) chưa được phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án phát triển điện lực chưa thể triển khai. Điều này cho thấy "nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm".

Nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm

Báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành (một trong những nội dung được Quốc hội giám sát tối cao-PV), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau khi Luật quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.

Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Một trong những tồn tại hạn chế đó là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Theo thống kê, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030.

Cụ thể, Nghị quyết 134 năm 2020 của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII đã yêu cầu: "Năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu năng lượng". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được phê duyệt.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 chưa được phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án phát triển điện lực chưa thể triển khai.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Quốc Chính 

Việc này diễn ra trong bối cảnh những tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp nhiều khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, đến cuối tháng 3.2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỉ kWh.

"Thực trạng đó cho thấy nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Từ đó sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như cuộc sống của nhân dân", ông Thanh nói.

Quy hoạch Điện VIII vẫn phải rà soát điện mặt trời, khí LNG

Hồi giữa tháng 5.2022, Bộ Công Thương được Chính phủ yêu cầu rà soát, giải trình thêm một số vấn đề liên quan phát triển điện mặt trời, điện khí LNG. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch Điện VIII hồi cuối tháng 4.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phải tiếp tục làm rõ thêm số liệu các dự án điện mặt trời đã đầu tư nhưng chưa vận hành; đã giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Từ đó, đánh giá tác động cụ thể và đề xuất giải pháp.

Bộ này cần làm rõ thêm tính khả thi, hiệu quả trong phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin lưu trữ...) với nguồn điện mặt trời trong các kỳ quy hoạch, nhất là đến năm 2030.

Bộ Công Thương cũng được đề nghị làm rõ số liệu quy hoạch, tính khả thi và hiệu quả của phát triển điện khí LNG đến 2030.

Theo đó, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số dự án nguồn điện khí,... cần có đánh giá chi tiết hơn. Việc này đặt ra trong bối cảnh có thể xảy ra những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn khí hoặc giá khí LNG tăng rất cao.

Theo tờ trình dự thảo quy hoạch Điện VIII ngày 29.4 của Bộ Công Thương (sau khi được Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt dự thảo quy hoạch), ở kịch bản phụ tải cao điều hành, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt gần 146.000 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn đồng phát). Trong đó, điện than đạt 37.467 MW (chiếm gần 26%) vào năm 2030, và giữ nguyên đến 2045 (9,7% cơ cấu nguồn điện).

Nguồn điện LNG đạt 23.900 MW (16,4% cơ cấu nguồn điện) vào năm 2030 và tăng gấp 1,3 lần, lên 31.400 MW vào 2035. Mức này sẽ giữ nguyên đến năm 2045.

Cơ quan soạn thảo đánh giá, kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành khuyến khích phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn