MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá nông sản "rẻ như cho" khiến nhiều nông dân không muốn tái đầu tư cho vụ mới. Ảnh minh họa: Vũ Long

Nguy cơ thiếu nông sản nếu nông dân tiếp tục hạn chế chăn nuôi, sản xuất

Vũ Long LDO | 17/09/2021 15:12

Giá nông sản giảm sâu khiến nông dân không mặn mà mở rộng sản xuất để tăng cung ứng cho dịp Tết.

Người chăn nuôi không mặn mà sản xuất vì thua lỗ

Hiện đang có trong tay 100 con lợn nái và khoảng 1.500 con lợn thịt, nhưng anh Nguyễn Văn Hanh (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) không mấy hào hứng bởi hiện nay giá lợn hơi xuống quá thấp, giá cám tăng cao khiến cả gia đình anh chăn nuôi vất vả mà hầu như không có lãi. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 phức tạp khiến anh và những người chăn nuôi rất lo ngại, không dám tái đàn hay tăng đàn.

“Tình hình mua bán rất trầm lắng. Nếu như thời gian này của các năm trước, người mua đi tìm giống để thả nuôi đón bán vào dịp Tết, thì năm nay không có động tĩnh gì. Không chỉ thị trường lợn con (làm giống) trầm lắng, mà những hộ chăn nuôi con nái cũng không hào hứng lấy tinh để tạo giống cho lợn” – ông Nguyễn Văn Hanh nói.

Ông Nguyễn Văn Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng chia sẻ: Giá lợn hơi ở Mỹ Đức giờ chỉ 48.000 đồng/kg nhưng cũng rất ít thương lái hỏi mua. Với tình hình như vậy, việc tăng đàn là rất hãn hữu. Tình hình chăn nuôi trầm lắng do người dân lo ngại dịch COVID-19 phức tạp, giá lợn hơi còn giảm nữa.

Một trong những người khá có tiếng tăm trong chăn nuôi, kinh doanh lợn, nhưng  ông Nguyễn Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty Đô Thành Nghệ An cũng không mấy hào hứng trong việc tăng đàn để đón “sóng” thịt lợn tăng vào dịp Tết.

“Dự báo giá lợn hơi còn tiếp tục giảm thêm. Thực tế với mức giá hiện nay người nuôi đang lỗ, nhất là các gia hộ càng lỗ nặng, mỗi kilogam lợn hơi bán ra lỗ mất 10.000 đồng, nhưng vẫn phải “cắn răng” nuôi cầm chừng. Vì nếu không nuôi, đến lúc giá lợn lên lại không có để bán” – ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hà (Tây Tựu, Hà Nội) cũng cho biết: Dịch COVID-19 khiến giao dịch ảm đạm, giá nông sản và hoa tươi “rẻ như cho” nên ông đã thu hẹp quy mô trồng để cắt lỗ, dù 2ha đất thuê ở Đan Phượng đã thanh toán hết tiền của 2 năm.

“Vụ vừa rồi gia đình chúng tôi phải rất chật vật cắt lỗ. Càng mở rộng quy mô càng lỗ khi hoa tươi không bán được, nên giờ phải chờ dịch qua mới tính chuyện mở rộng” – ông Nguyễn Văn Hà nói.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giá gia cầm, đặc biệt là gà công nghiệp lông trắng vẫn “rẻ như cho” nên hầu như các hộ chăn nuôi đang giảm mạnh quy mô ấp trứng tại các lò.

"Giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng lên 17.000 đồng/kg, nhưng giá thành chăn nuôi là 27.000 đồng, tính ra mỗi kilogam gà người nuôi vẫn lỗ 10.000 đồng" - ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ chia sẻ. 

Trong lĩnh vực thủy sản, hiện nay, số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực phía Nam tạm dừng sản xuất là 176 cơ sở, chỉ còn 273/449 cơ sở tại 19 tỉnh tiếp tục sản xuất, chiếm 60%. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Cần hỗ trợ để nông dân yên tâm sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Việc thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phưong vẫn rất quyết liệt nhằm từng bước giảm mức độ phát sinh và lây lan ra diện rộng đã ảnh hưởng nhất định đến một phần việc sản xuất, thu hoạch, cung ứng, lưu thông vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản phục vụ sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: Khó khăn như vậy nên việc tái đàn, tăng đàn trong chăn nuôi, trồng trọt vụ mới, hay thả giống của thủy sản nhiều khó khăn. "Phải kéo được sản phẩm nông sản ra khỏi cơ sở sản xuất, tức là đẩy mạnh được tiêu thụ, lưu thông, khơi thông thị trường xuất khẩu và một loạt các giải pháp khác mới giúp người nông dân yên tâm sản xuất" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Do đó, trong thời gian tới,  ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nông dân cần được hỗ trợ về vốn vay, giảm giá vật tư đầu vào. 

"Ngân hàng Nhà nước cần sớm có gói tín dụng đặc biệt cho nông nghiệp, tuy đã có nhiều cơ chế chính sách nhưng nông nghiệp có tính đặc thù. Bộ Giao thông - Vận tải phải khơi thông được vận tải hàng hóa, cả nội địa và xuất khẩu. Bộ Y tế phải chỉ đạo các địa phương ra soát lại các điểm “3 tại chỗ” các nhà máy, để phòng chống dịch phù hợp với ngành nông nghiệp, để huy động được sản xuất lưu thông phân phối chế biến ở quy mô lớn hơn…" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhân mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn