MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân phấn khởi vì vụ Hè Thu được mùa, được giá. Ảnh: Trần Lưu

Nguy cơ xuất khẩu gạo gặp khó trong quý 3

Vũ Long LDO | 07/07/2020 16:49

Từ 31.5 đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn vì không ký được đơn hàng mới. Hoạt động xuất nhập khẩu gạo trên thế giới đang chậm lại.

Vụ Hè Thu được mùa, được giá

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ gặp lúa Hè Thu. So với vụ Hè Thu năm trước, năm nay năng suất lúa bình quân trúng lớn hơn do được chăm sóc đúng kỹ thuật, nông dân gieo mạ đúng thời điểm nên “né” được hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 20.000ha lúa hè thu trên tổng diện tích đã gieo sạ hơn 74.000ha. Giá lúa bán ra từ 5.300 - 6.500 đồng/kg tùy theo giống lúa, tăng 300-600 đồng/kg so với vụ Hè thu trước.

Ông Nguyễn Bảy – nông dân tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang phấn khởi cho hay: Nhờ được mùa, được giá, dự kiến vụ Hè Thu năm nay gia đình ông thu được 30 triệu tiền lãi do trồng lúa, tăng gần 10 triệu so với vụ Hè Thu năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Ôn – ngụ tại số 4, ấp Bình Lương, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cũng cho hay, ông thuê 5ha đất để trồng lúa vụ Hè Thu, hiện đã thu hoạch được ½ diện tích. “Năng suất vụ Hè Thu này khá tốt, lên đến gần 6 tấn/ha, thương lái đặt mua lúa tươi tại ruộng, người trồng lúa đang phấn khởi” - ông Ôn nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “đói” đơn hàng

Trong khi vụ Hè Thu đang cho thu hoạch lớn, nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng. Nhưng không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang như “ngồi trên đống lửa” bởi từ cuối tháng 5 đến nay không tìm được đơn hàng mới để xuất khẩu gạo.

Điều đáng nói là, các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp mừng vì Chính phủ Philippines thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo, thì mới đây, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) – đơn vị đại diện cho Chính phủ Philippines đã thông báo hủy bỏ toàn bộ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo theo cơ chế liên Chính phủ (G2G) với các đối tác, trong đó có Việt Nam. 

Nguyên nhân được đưa ra, là bởi hiện tại nguồn cung gạo trên thế giới đã ổn định trở lại, nguồn cung gạo của Philippines cũng được đảm bảo, chưa cần mua dự trữ thêm.

Việc Philippines tạm dừng nhập khẩu 300.000 tấn gạo, mà trong đó Việt Nam đã được báo trúng thầu 30.000 tấn, thực sự là tin không vui đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước.

Thu hoạch vụ Hè Thu. Ảnh: Kỳ Quan

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Hầu hết doanh nghiệp đều đang rơi vào tình trạng xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo trước đây. Ngoài việc thu mua gạo để phục vụ xuất khẩu theo các đơn hàng cũ, từ sau ngày 1.5 đến nay, hầu như nhiều doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng mới.

Theo ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH Việt Thanh,  nếu như năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu được  khoảng 70.000 tấn thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ xuất được gần 30.000 tấn. Kể từ sau ngày 1.5, doanh nghiệp chưa ký thêm được bất cứ một hợp đồng mới nào, bởi trong giai đoạn Việt Nam tạm thời dừng xuất khẩu gạo, các nước mở kho xuất cho những nước có nhu cầu. Đến thời điểm này, xuất khẩu gạo bị ngưng trệ lại các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo đã nhập đủ đủ số gạo họ cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn